12/07/2021 - 11:28

Kết nối cung - cầu, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản 

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm việc tiêu thụ nhiều loại nông sản của nông dân TP Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL gặp bất lợi. Trước thực tế này, ngành chức năng cần tăng cường kết nối cung - cầu, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối và tiêu thụ, nhất là đối với các loại nông sản đang và chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch.

Khoai lang được Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Viễn thông Thanh Liêm 1 cho vô bọc 5kg để đem đi tiêu thụ và tặng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Bấp bênh đầu ra nông sản

Ông Nguyễn Văn Triều ở ấp Ðịnh Khánh A, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Dịch COVID-19 khiến đầu ra xuất khẩu nhiều loại trái cây và nông sản gặp khó trong khi sức tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng giảm mạnh nên giá bán đang có chiều hướng giảm. Năm ngoái nhãn Ido có giá lên đến 24.000-28.000 đồng/kg nhưng gần đây giảm chỉ còn 18.000 đồng/kg, chúng tôi lo giá sẽ giảm nữa và không biết tiêu thụ có dễ dàng khi nhiều địa phương bước vào mùa thu hoạch rộ”. Theo ông Triều, việc tiêu thụ nhãn của phần lớn nông dân phụ thuộc vào thương lái. Trong bối cảnh phải hạn chế đi lại để phòng, chống dịch COVID-19, nông dân càng thêm khó trong việc tìm kiếm đầu mối tiêu thụ đến các vùng sản xuất của nông dân để thu mua sản phẩm và thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lâu dài. Nông dân rất mong ngành chức năng hỗ trợ quảng bá sản phẩm và kết nối cung - cầu, giúp bà con tiêu thụ nông sản.

Ðể thuận lợi trong kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu, nông dân trồng nhãn Ido tại xã Ðịnh Môn đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ðồng Tâm. HTX hiện có 56 xã viên, với diện tích trồng nhãn Ido khoảng 120ha, trong đó có 24ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ðược HTX nông nghiệp Thân Thiện ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ bao tiêu đầu ra và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, nhiều nông dân tại phường Tân Hưng đã đưa cây bắp ngọt (bắp giống Mỹ) và nhiều loại rau màu khác vào sản xuất thành công trên nền đất ruộng. Anh Mai Văn Nghi, xã viên HTX nông nghiệp Thân Thiện có 1ha trồng bắp ngọt, cho biết: “Mỗi năm, nông dân có thể sản xuất tới 4 vụ bắp và có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước đây làm 3 vụ lúa trong năm. Nhờ được HTX bao tiêu đầu ra nên tôi vẫn đang bán bắp được với giá ổn định ở mức 4.500 đồng/kg và với năng suất bắp đạt 1,8-2 tấn/công, tôi có thể kiếm lời khoảng 4 triệu đồng/công. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nông dân chưa thể an tâm cho đầu ra sản phẩm, nhất là khi việc vận chuyển, đưa hàng đến nơi tiêu thụ đang gặp nhiều trắc trở. Các thành viên của hội đồng quản trị HTX phải nỗ lực rất nhiều để giúp xã viên tiêu thụ sản phẩm”.

Theo ông Huỳnh Văn Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Thân Thiện, việc tiêu thụ bắp và các loại rau màu tại các mối lái mà HTX đã liên kết gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội và giá cả, sức tiêu thụ hàng bị sụt giảm, nhất là tại thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ. Tuy nhiên, HTX vẫn cố gắng thu mua bắp của nông dân với mức giá ổn định và HTX tích cực tìm kiếm thêm các mối lái và khách hàng để có thể tiêu thụ hết lượng bắp cho nông dân. HTX cũng rất mong ngành chức năng hỗ trợ cho HTX kết nối cung cầu và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục đẩy mạnh liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Kết nối cung - cầu

Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng năm nay trái vải ở tỉnh Bắc Giang vẫn được tiêu thụ khá thuận lợi nhờ địa phương này đã chủ động thực hiện tốt các khâu quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu và tạo thuận lợi cho khâu lưu thông, phân phối hàng tới nơi tiêu thụ. Bài học từ việc tiêu thụ trái vải ở tỉnh Bắc Giang cần được các địa phương ở vùng ÐBSCL học tập, phát huy.

Ðể hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành chức năng TP Cần Thơ và các địa phương trong vùng cần tăng cường hơn nữa các hoạt động kết nối cung - cầu, tạo các điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện vận chuyển, phân phối hàng đến nơi tiêu thụ. Ðặc biệt, cần chủ động rà soát, nắm kỹ diện tích và sản lượng các loại nông sản trên địa bàn đang bước vào thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch để chủ động có giải pháp hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ kịp thời và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngành chức năng cũng cần cập nhật thông tin cho người dân nắm rõ về tình hình dịch bệnh, điều kiện vận chuyển, buôn bán hàng tại các địa phương để người dân, doanh nghiệp chủ động và an tâm thu mua nông sản của nông dân.

Thời gian qua, ngành chức năng ở TP Cần Thơ cùng đơn vị, doanh nghiệp và người dân đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động kết nối cung - cầu. Hỗ trợ nông dân và nhiều HTX và tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp kết nối được với các nhà tiêu thụ và đưa hàng vào bán tại các siêu thị, cửa hàng tự chọn. Tăng cường quảng bá, bán sản phẩm thông qua các trang web, sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Nhờ vậy, nông dân trồng khoai lang tím ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long hay nông dân trồng xoài tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ thuộc TP Cần Thơ... đã kịp thời tiêu thụ được một lượng hàng hóa nông sản rất lớn, hạn chế được tình trạng nông sản bị rớt giá và khó tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quốc Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Viễn thông Thanh Liêm 1 ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, Công ty đã kêu gọi đối tác, khách hàng và nhà hảo tâm góp tiền thu mua khoai lang tím từ Vĩnh Long mang về Cần Thơ tiêu thụ và tặng miễn phí cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, góp phần “tiếp sức” cho bà con vượt qua đại dịch COVID-19. Qua đó, giúp nông dân tiêu thụ hơn 10 tấn khoai lang, với mức giá 3.000 đồng/kg, cao gấp 6 lần so với giá khoai lang tím tại Vĩnh Long ở thời điểm có mức thấp kỷ lục, chỉ còn 30.000 đồng/tạ (60kg), tương đương với giá 500 đồng/kg và không có người mua.

Bài, ảnh: V. CÔNG

Chia sẻ bài viết