24/06/2009 - 07:34

Israel tranh thủ các đồng minh châu Âu

Israel vẫn tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái.

Hôm qua 23-6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến Roma, bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới châu Âu kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 3 năm nay. Chương trình nghị sự trong chuyến công du Ý và Pháp, hai đồng minh gần gũi nhất của Israel ở cựu lục địa, là tình hình Iran, tiến trình hòa bình Israel - Palestine và các vấn đề song phương.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, ông Netanyahu cho rằng cộng đồng quốc tế cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Netanyahu đề nghị ông Berlusconi hạn chế quan hệ thương mại giữa Ý với Iran, hiện ở mức khoảng 6 tỉ USD/năm.

Xung quanh quan hệ Israel-Palestine, cả Pháp và Ý đều không tán thành ý tưởng của ông Netanyahu về việc thành lập nhà nước Palestine phi quân sự tồn tại bên cạnh nhà nước Do Thái.

Sau 7 năm gián đoạn, đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine được tái khởi động tại Hội nghị Annapolis (Mỹ) tháng 11-2007, nhưng lại bị hoãn lần nữa khi Israel tấn công quân sự vào Dải Gaza tháng 12 năm ngoái. Sau cuộc tấn công này, Liên minh châu Âu (EU), thành viên trong nhóm Bộ tứ bảo trợ hòa bình Trung Đông (Mỹ, EU, Nga và Liên Hiệp Quốc), nhất trí hoãn kế hoạch tăng cường quan hệ thương mại với Israel. Mới đây, Hội đồng quan hệ đối ngoại EU còn kêu gọi Israel không lập lờ đối với nghị quyết hai nhà nước cùng tồn tại song song, chấm dứt ngay các hành động thuộc địa hóa ở Đông Jerusalem và khu Bờ Tây, đồng thời dỡ bỏ tất cả các trạm kiểm soát thành lập từ tháng 3-2001. Cũng như Mỹ, EU yêu cầu Israel ngưng hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư Do Thái, nhưng Tev Aviv cho rằng phải mở rộng để đáp ứng sự gia tăng dân số tự nhiên.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang nỗ lực thuyết phục người đồng cấp Mỹ Barack Obama triệu tập một hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông, với mục đích tạo đột phá cho các cuộc đàm phán Israel - Palestine và cả khu vực. Tuy nhiên, Washington tỏ ra không mặn mà với ý tưởng này khi cho rằng muốn thấy được sự tiến bộ thực tế, nhất là việc Israel phải ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái, trước khi triệu tập hội nghị. Nga cũng phản đối hội nghị trên vì lo ngại sẽ làm giảm “giá trị” của một hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông khác dự kiến tổ chức ở Mát-xcơ-va vào cuối năm nay.

Trước sức ép của Mỹ, ông Netanyahu hôm 14-6 đã lần đầu tiên tuyên bố sẽ chấp nhận một nhà nước Palestine độc lập, nhưng kèm theo một số điều kiện. Tuy nhiên, phía Palestine kịch liệt chỉ trích đề xuất này. Một ngày trước khi ông Netanyahu thăm châu Âu, Thủ tướng Palestine Salam Fayyad đã kêu gọi người dân tiến tới mục tiêu thành lập nhà nước riêng trong vòng 2 năm, mà không cần chờ đợi Israel chấm dứt việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của họ.

N.MINH
(Theo Bloomberg, AFP, WSJ)

Chia sẻ bài viết