Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2-10 khẳng định không ủng hộ Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran, giữa lúc Tel Aviv đang chịu sức ép ngày càng lớn về việc phá hủy chương trình hạt nhân của Tehran để đáp trả vụ tập kích tên lửa dữ dội mới đây.
Cựu Thủ tướng Israel Bennett ủng hộ loại bỏ chương trình hạt nhân của Iran. Ảnh: Flash90
Tổng thống Biden kêu gọi Israel “đáp trả tương xứng” vụ Iran bắn 180 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ nước này tối 1-10, nhưng ông không ủng hộ Tel Aviv tấn công cơ sở hạt nhân của Tehran. Chủ nhân Nhà Trắng đã trả lời “không” hôm 2-10, khi được các phóng viên hỏi liệu ông có ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân Iran như những lời đe dọa lâu nay hay không.
Cùng ngày, ông Biden đã thảo luận với các nhà lãnh đạo khác của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) để phối hợp về các lệnh trừng phạt Iran và sẽ tư vấn cho Israel về cách thức đáp trả. Thay vì tấn công cơ sở hạt nhân Iran, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây khác đang đề nghị Israel tập trung vào các mục tiêu quân sự.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ thừa nhận rằng ảnh hưởng của nước này đối với Israel có thể bị hạn chế. Ðồng minh thân cận của Washington ở Trung Ðông đang cân nhắc một số phương án trả đũa Iran, bao gồm tấn công các bệ phóng tên lửa hoặc cơ sở hạ tầng dầu mỏ.
Nước Cộng hòa Hồi giáo là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ bảy thế giới, chiếm 4% tổng sản lượng toàn cầu. “Ngành công nghiệp này là huyết mạch kinh tế của Iran bởi nếu không có doanh thu từ xuất khẩu dầu, nền kinh tế sẽ phải chịu một đòn nặng nề”, Burcu Ozcelik, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, nhận định.
“Cơ hội lớn nhất trong 50 năm”
Một trong những lý do khiến Israel chưa nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân là vì Iran đã sử dụng nhóm Hezbollah như một công cụ răn đe. Giờ đây, khi mối đe dọa từ nhóm vũ trang thân Iran này dường như đã giảm bớt, những nhân vật nổi bật đang kêu gọi Israel
hành động.
Theo tờ Telegraph, cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã thúc giục nắm bắt cơ hội ngay lúc này để loại bỏ chương trình hạt nhân của Iran. “Israel hiện có cơ hội lớn nhất trong 50 năm để thay đổi bộ mặt Trung Ðông. Chúng ta phải hành động ngay để phá hủy chương trình hạt nhân, các cơ sở năng lượng trung tâm của Iran”, ông Bennett viết trên mạng xã hội X, sau vụ tập kích tên lửa của Tehran.
Israel từ lâu coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu, mặc dù Tehran khẳng định không phát triển vũ khí hạt nhân. Các cơ sở hạt nhân Iran nằm rải rác ở nhiều địa điểm, nhưng một số trong đó nằm sâu dưới lòng đất khiến việc phá hủy chúng trở nên khó khăn hơn.
Israel suýt tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran vào năm 2011 khi có thông tin tình báo cho thấy Tehran đang tiến gần đến việc phát triển bom nguyên tử. Tuy nhiên, các kế hoạch tấn công phủ đầu vào thời điểm đó đều bị hủy bỏ.
Tờ New York Times giờ đây dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Israel có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân Iran, tập trung vào các cơ sở làm giàu uranium ở Natanz. Cơ sở này được coi là “trái tim” của chương trình hạt nhân Iran.
Nằm ở phía Nam thủ đô Tehran, khu phức hợp Natanz có 2 nhà máy, bao gồm Nhà máy làm giàu nhiên liệu (FEP) ngầm và Nhà máy làm giàu nhiên liệu thí điểm (PFEP) trên mặt đất. Trong đó, PFEP có vài trăm máy ly tâm nhưng đang làm giàu uranium đến độ tinh khiết 60%, mức rất gần với khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ðể tiếp cận các cơ sở hạt nhân Iran, tên lửa của Israel sẽ phải bay qua không phận của các nước thứ ba như Jordan, Saudi Arabia hoặc Iraq. Tuy nhiên, Israel đã chứng minh họ có khả năng tiến hành các cuộc tấn công các mục tiêu ở xa.
Ngày 2-10, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami khẳng định lực lượng vũ trang nước này đã thiết lập khả năng răn đe cần thiết trước nguy cơ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Tehran.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)