17/12/2017 - 10:23

IS sẽ ở đâu vào năm 2018? 

Sau những thất bại liên tiếp của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trên khắp Trung Đông, Bộ trưởng Tình báo Iran Mahmoud Alavi mới đây cho hay nước ông đang dốc sức đối phó trước nỗ lực của nhóm khủng bố này nhằm tìm kiếm địa bàn tại Trung Á trong năm 2018.

Các chiến binh IS. Ảnh: Beitbart

Phát biểu ở hội thảo về chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và an ninh khu vực tại Tây Á, Bộ trưởng Alavi hôm 12-12 nói rằng, tuy IS không còn giữ được bất kỳ phần lãnh thổ quan trọng nào, nhưng vẫn sở hữu một kho vũ khí lớn - đồng nghĩa mối đe dọa từ nhóm này vẫn tồn tại trên khắp khu vực và vượt ra ngoài phạm vi ấy. Được biết, Tehran trước đó đã giúp đánh đuổi IS ra khỏi các cứ địa của chúng ở Lebanon, Iraq và Syria.

“IS đã mất đất đai nhưng chưa đầu hàng, và sẽ tìm kiếm lãnh thổ ở Afghanistan, Pakistan và Trung Á, để thông qua đó khôi phục lại ý tưởng về một Vương quốc Hồi giáo của chúng”- hãng thông tấn bán chính thức Mehr của Iran dẫn lời ông Alavi. Bộ trưởng Tình báo Iran còn nói thêm Tehran dự đoán IS sẽ cố thiết lập một chỗ đứng vững chắc hơn ở Trung Á, nơi tổ chức này đã đạt được một số thành công trong vài năm qua.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Dawlat Waziri nói với Mehr rằng ông sẽ tìm kiếm sự trợ giúp của Iran trong việc trấn áp làn sóng nổi dậy tại Afghanistan. Tuy vậy, tờ Newsweek nhận định động thái này có thể làm phức tạp tình hình trên thực địa trong bối cảnh có khoảng 14.000 lính Mỹ hiện hỗ trợ các lực lượng an ninh địa phương nhằm triệt hạ cả Taliban và IS.

Theo Newsweek, sự hiện diện tương đối khiêm tốn của IS ở Afghanistan vẫn đủ mạnh để lực lượng này sát hại các binh sĩ Mỹ, tổ chức các cuộc tấn công chết chóc nhằm vào thường dân và thậm chí là cạnh tranh với Taliban ở một số khu vực nhất định. IS cũng tạo được chút ít “dấu tích” ở Pakistan, nơi một số nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Sunni khác đang hoạt động. Chẳng hạn như việc nhóm Jundallah có liên kết với IS đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ xả súng trên xe buýt ở thành phố Karachi hồi tháng 5-2015 làm 43 người chết.

Ngoài phạm vi Afghanistan và Pakistan, các nhóm phiến quân thề trung thành với IS cũng đã xây dựng các tiền đồn ở những nơi khác trên thế giới - trong đó có  Caucasus, Bán đảo Arab, Bắc Phi, vùng hạ Sahara và ở Đông Nam Á (đặc biệt ở miền Nam Philippines).

Mặt khác, cùng với sự hiện diện vẫng đang mạnh mẽ trên mạng xã hội, IS còn xoay xở để chia sẻ các công cụ cần thiết cho việc thực hiện các  âm mưu tấn công chết người với sự giúp sức từ các phần tử khủng bố tương lai trên toàn cầu. Một ví dụ điển hình cho kiểu âm mưu tấn công này là vụ đánh bom hôm 11-12 vừa qua tại thành phố New York (Mỹ). 

ĐÔNG PHONG (Theo Newsweek)

Chia sẻ bài viết