12/02/2009 - 09:46

Iraq muốn thoát khỏi cái bóng của Mỹ?

Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki (trái) tiếp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Ảnh: AFP

Nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tới Baghdad hôm 10-2, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã thể hiện mong muốn giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ và tăng cường quan hệ với các cường quốc Tây Âu. Trong buổi họp báo với ông Sarkozy, Thủ tướng Maliki bác bỏ tuyên bố mới đây của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Washington sẽ “tăng sức ép hơn nữa” buộc chính quyền Iraq đạt được sự hòa hợp chính trị. Ông Maliki tuyên bố: “Thời kỳ Mỹ gây sức ép đối với Iraq đã kết thúc. Chính quyền Iraq nhận thức được trách nhiệm của mình là gì. Chúng tôi đang thực hiện công cuộc cải cách và đang ở giai đoạn cuối cùng của tiến trình hòa hợp. Không có sự hòa hợp dân tộc, Iraq sẽ không có an ninh”.

Theo các cố vấn chính trị, Thủ tướng Maliki muốn thay đổi bản chất mối quan hệ giữa Baghdad và Washington, chuyển vai trò của Iraq từ nhà nước phụ thuộc thành đối tác ngang bằng hơn. Một dấu hiệu khác thể hiện quan điểm này của ông Maliki là chưa sẵn sàng để Mỹ “đạo diễn” quá trình tái thiết và củng cố nền dân chủ ở Iraq trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào cuối năm nay. Ngoài ra, ông Maliki còn cho rằng Baghdad đang sửa chữa những sai lầm của Mỹ sau khi chiếm đóng Iraq năm 2003. Trong thỏa thuận an ninh với Mỹ quy định Washington rút quân hoàn toàn vào cuối năm 2011, ông Maliki từng được hoan nghênh vì có lập trường cứng rắn trên bàn thương lượng.

Trong khi đó, những diễn biến gần đây cho thấy chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Barack Obama không còn xem Iraq là ưu tiên hàng đầu. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Arabiya mới đây, ông Obama thậm chí không hề đề cập gì đến Iraq. Tuyên bố của ông Maliki thực ra cũng được đưa ra vào thời điểm ông Obama quyết định rút hàng ngàn binh sĩ khỏi Iraq để triển khai tới chiến trường Afghanistan, hiện được đánh giá là mặt trận số 1 của Mỹ trong cuộc chiến khủng bố.

Khi Washington không còn xem Iraq là ưu tiên, Baghdad không còn cách nào khác cũng phải thay đổi chính sách đối ngoại. Do đó, chuyến thăm của Tổng thống Sarkozy tới Baghdad được xem là bước đi đầy tính toán của Paris. Một mặt ông Sarkozy muốn chứng tỏ quan điểm mới của mình về cuộc chiến Iraq, vốn bị người tiền nhiệm Jacques Chirac phản đối, mặt khác có thể xúc tiến lợi ích kinh tế cũng như ảnh hưởng của Pháp ở khu vực lâu nay do Mỹ “độc quyền”. Hiện các công ty dầu hàng đầu thế giới đang cạnh tranh gay gắt các hợp đồng khai thác dầu ở Iraq, trong đó có hãng Total của Pháp. Còn đối với Iraq, chuyến thăm của ông Sarkozy giúp Thủ tướng Maliki “nhắn nhủ” rằng Mỹ không phải là chỗ dựa duy nhất của đất nước nghìn lẻ một đêm.

N.MINH (Theo AFP, NYT, IHT)

Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki (trái) tiếp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết