09/10/2021 - 04:29

Iran, Hàn Quốc lại hục hặc vì tài sản đóng băng 

Tranh cãi giữa Iran và Hàn Quốc liên quan số tiền hơn 7 tỉ USD bị Seoul đóng băng theo lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Tehran đang gia tăng, khi Cộng hòa Hồi giáo dọa có hành động pháp lý.

Ngoại trưởng Iran Amirabdollahian. Ảnh: EPA

Ngoại trưởng Iran Amirabdollahian. Ảnh: EPA

Tuần rồi, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian nhấn mạnh nếu Hàn Quốc vẫn từ chối trả nợ, nước này sẽ kiện 2 ngân hàng của quốc gia Đông Á đang nắm giữ hơn 7 tỉ USD. “Chúng tôi có 7,8 tỉ USD bị phong tỏa trong các ngân hàng Hàn Quốc. Hàn Quốc không phải là đối tác thương mại đáng tin cậy và họ phải trả lãi số tiền đang nắm giữ trái phép”, nghị sĩ Iran Alireza Salimi nói rõ. Trong khi đó, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bác bỏ khái niệm “số nợ” của Hàn Quốc, thay vào đó người này mô tả 7 tỉ USD là “quỹ bị đóng băng”.

Hồi cuối tháng 9, Ngoại trưởng Amirabdollahian cũng đã trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong. Ông Chung được cho là cam kết sẽ nỗ lực hết mình để giải quyết vấn đề tài sản đóng băng, song Tehran vẫn không tin. Trước đó vài ngày, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã ra lệnh cấm nhập khẩu thiết bị gia dụng từ Hàn Quốc, với lý do Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cho rằng hàng hóa nhập khẩu có thể gây tổn hại đến việc sản xuất trong nước. Lệnh cấm được coi là công cụ gây sức ép để Hàn Quốc giải quyết vấn đề liên quan tài sản đóng băng. Trong thư, Lãnh tụ tối cao Khamenei chỉ nhắc tới “2 công ty Hàn Quốc” nhưng được hiểu là hãng điện tử LG và Samsung. Hai “ông lớn” này đã ngưng làm ăn với Iran sau khi Mỹ ban hành lệnh trừng phạt tài chính, đe dọa bên thứ ba hồi năm 2018.

Đầu năm nay, Mỹ được đồn đoán đã đàm phán với Hàn Quốc để cho phép chuyển một phần trong khối tài sản bị phong tỏa của Iran sang Thụy Sĩ phục vụ cho việc mua hàng hóa nhân đạo. Theo đó, Hàn Quốc đã tìm cách sử dụng một kênh của Thụy Sĩ do Mỹ hậu thuẫn, được gọi là Thỏa thuận Thương mại nhân đạo Thụy Sĩ để có thể sử dụng tiền thông qua việc bán thuốc và thiết bị y tế của các công ty Thụy Sĩ cho Iran. Đến tháng 7, Bộ Tài chính Hàn Quốc thông báo thỏa thuận đã được ký.

Nhưng tại Tehran, truyền thông lại cho rằng thỏa thuận cũng cho phép sử dụng tiền đóng băng để mua các sản phẩm của LG và Samsung rồi gửi sang Iran.

Abbas Hashemi thuộc Hiệp hội Công nghiệp hàng gia dụng Iran khẳng định Tehran chứ không phải Washington sẽ quyết định cách sử dụng số tiền bị phong tỏa. “Vấn đề không quá phức tạp. Hàn Quốc muốn thanh toán nợ bằng các món hàng gia dụng, kiểm soát thị trường và làm tê liệt các ngành công nghiệp của chúng tôi. Do vậy, Lãnh tụ tối cao Khamenei đã phản đối”, nhà hoạt động Mohammad-Reza Bagheri viết trên Twitter. Theo lãnh đạo Hiệp hội hàng gia dụng Iran, thị trường hàng gia dụng trong nước trị giá 6 tỉ USD/năm, trong đó 40% là hàng nhập lậu từ nước ngoài.

Hàn Quốc cũng đã ngừng mua dầu mỏ của Iran sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cách đây 3 năm, tái áp đặt lệnh cấm vận nghiêm khắc và dọa trừng phạt bất cứ ai mua dầu thô từ Tehran. Năm đó, trao đổi thương mại giữa Iran và Hàn Quốc chỉ đạt được phân nửa so với mức 12 tỉ USD năm 2017. Iran là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc tại khu vực Trung Đông.

Vào tháng 1-2021, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bắt giữ tàu chở dầu Hankuk Chemi treo cờ Hàn Quốc ngoài khơi Eo biển Hormuz với cáo buộc gây ô nhiễm môi trường. Ba tháng sau, Iran trả tự do cho tàu Hankuk Chemi cùng thuyền trưởng. Phía Hàn Quốc tin rằng Iran bắt giữ tàu để gây sức ép buộc Seoul nhanh chóng giải phóng số tiền bị đóng băng, mặc dù Tehran liên tục phủ nhận hai vụ việc có liên quan.

Samsung dự kiến lợi nhuận quý III tăng mạnh

Ngày 8-10, hãng công nghệ Samsung Electronics của Hàn Quốc dự kiến lợi nhuận trước thuế quý III/2021 tăng gần 30%.Theo đó, lợi nhuận trước thuế của nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới này dự kiến đạt khoảng 15.000 tỉ won (13,3 tỉ USD), tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Samsung Electronics ước tính doanh thu trong quý III ở mức 73.000 tỉ won, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là mức tăng doanh thu quý kỷ lục từng được hãng này ghi nhận.

Samsung Electronics là công ty chủ chốt của tập đoàn Samsung, cho đến nay là tập đoàn lớn nhất trong số các tập đoàn do các gia tộc kiểm soát tại Hàn Quốc hiện chi phối nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới này. Tổng doanh thu của Samsung tương đương khoảng 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Iran International)

Chia sẻ bài viết