25/09/2017 - 09:55

Indonesia trước mối đe dọa từ các tay súng IS hồi hương 

“Mọi người đang tụ tập, tôi đến gần hơn nhưng trời ơi, người đàn ông đó đã chết” - Heru Kurnia, một công dân Indonesia từng tham chiến với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, nhớ lại cảnh chứng kiến bọn trẻ đá vào đầu một người bị các tay súng IS xử tử.

Heru Kurnia sum họp gia đình sau một thời gian tham chiến với IS tại Syria. Ảnh: SCMP

Heru là một trong số 18 công dân Indonesia trở về nước hồi tháng 8 vừa qua sau khi thoát khỏi “địa ngục trần gian”, nơi khác xa với những gì mà các tuyển trạch viên IS ra rả trên mạng là xã hội Hồi giáo lý tưởng. “Tuyển trạch viên nói với chúng tôi rằng con cái chúng tôi sẽ được học miễn phí ở đó, nhưng một khi chúng tôi đến đó chúng tôi bị ép phải gả con gái mình cho chúng” -  một người tên Dwi Djoko Wiwoho chua xót. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cả Heru và Djoko đều xuất hiện trong một đoạn video mới đây của cơ quan chống khủng bố Indonesia với tiêu đề “Câu chuyện về những thành viên IS bị trục xuất”. Trong đoạn video, Chính phủ Indonesia đã truyền đi  thông điệp rằng đừng nên tin vào những “lời ngon tiếng ngọt” của IS.

Ước tính, hơn 500 tín đồ IS người Indonesia vẫn đang ở Syria. Hàng trăm người khác đã bị trục xuất về nước, hoặc tự nguyện hồi hương trong khi 30 người Indonesia khác được cho là đang tham chiến với các tay súng IS tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao của Philippines. “Một điều làm tăng đáng kể mối đe dọa đối với Indonesia đó là những phần tử thánh chiến có kỹ năng đột ngột trở về nước, ẩn mình trong các mạng lưới ở Indonesia, trao đổi kỹ năng chế tạo bom và âm thầm hoạt động” - Greg Fealy, chuyên gia về khủng bố tại Đại học Quốc gia Úc, lo ngại. Còn Sidney Jones, chuyên gia về khủng bố ở Thủ đô Jakarta nhận định, một khi cuộc chiến tại Marawi kết thúc, các thủ lĩnh IS tại khu vực Đông Nam Á có thể khuyến khích các tín đồ Indonesia tấn công những mục tiêu khác, trong đó có người ngoại quốc hoặc các tổ chức nước ngoài.

Kể từ tháng Giêng, C-SAVE - mạng lưới các tổ chức dân sự chuyên xử lý  vấn đề chủ nghĩa cực đoan bạo lực, đã hỗ trợ nhiều người Indonesia bị trục xuất khi cố gắng gia nhập IS ở Syria trở về nhà. Tính đến cuối tháng 7, C-SAVE đã giúp hơn 160 người như vậy. Theo giám đốc điều hành C-SAVE Mira Kusumarini, 90% trong số này muốn trở lại Syria và đa phần xem chính phủ là dị giáo hay kẻ thù.

Trước tình hình trên, giới chuyên gia cảnh báo Indonesia cần phải thận trọng không để trở thành “hang ổ” của những kẻ khủng bố một lần nữa, và phải  tránh quay lại những ngày đen tối đầu những năm 2000 khi tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda liên kết với các nhóm khủng bố như Jemaah Islamiyah (JI) tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào thường dân, chẳng hạn như vụ tấn công kinh hoàng trên đảo du lịch Bali hồi năm 2002 làm 202 người thiệt mạng.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết