10/03/2009 - 08:27

IMF thừa nhận sai lầm trong cảnh báo về khủng hoảng tài chính

Giám đốc điều hành IMF Strauss-Kahn.
Ảnh: Reuters

* Thế giới thúc đẩy các biện pháp kích cầu để vượt qua khủng hoảng

(TTXVN)- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nghiêm túc xem xét các sai lầm trong việc phát hiện nguyên nhân của cuộc khủng hoảng toàn cầu và nhận thấy chưa thực hiện tốt chức năng là một tổ chức giám sát tài chính toàn cầu.

Trong một loạt nghiên cứu đánh giá những bài học đầu tiên của khủng hoảng, IMF cho rằng thiếu sự phối hợp trong quá trình giám sát và đưa ra những thông điệp không hiệu quả đã dẫn tới việc không phát hiện và cảnh báo thế giới về nguy cơ “quả bóng” tín dụng toàn cầu có thể bùng nổ, dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

IMF cho rằng những cảnh báo trước khủng hoảng, kể cả cảnh báo của chính tổ chức này, đều rời rạc và thiếu cụ thể nên không đủ mạnh để hối thúc các nhà hoạch định chính sách hành động, chứ chưa nói đến thúc đẩy hành động chính sách tập thể. Trong danh sách liệt kê những thất bại của mình, IMF thừa nhận việc giám sát của họ đã bỏ qua, hoặc đánh giá thấp các nguy cơ, trong khi những đánh giá kết quả kinh doanh lại khích lệ sự tự mãn.

Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược của IMF Reza Moghadam thừa nhận: “Chắc chắn có một số cảnh báo liên quan đến việc xuất hiện các nguy cơ trong mô hình ngân hàng và thị trường nhà ở của Mỹ. Tuy nhiên, những cảnh báo chính thức ở trong và ngoài IMF đều thiếu rõ ràng, thiếu chi tiết hoặc chưa quyết liệt để lôi kéo các nhà hoạch định chính sách”.

IMF đã xác định những rủi ro tiềm tàng trong hàng loạt nghiên cứu và báo cáo về thực trạng của nền kinh tế toàn cầu. Song những thông điệp về những diễn biến toàn cầu thường được bảo mật và chìm trong các cuộc thảo luận kéo dài hoặc danh sách các mối quan tâm. IMF đánh giá thấp mối quan hệ giữa các rủi ro kinh tế vĩ mô và diễn biến trên các thị trường tài chính và nội địa.

Thể chế tài chính lớn này nhận thấy việc giám sát thường phản ánh quan điểm cho rằng các nước phát triển có lạm phát ổn định, tương đối thấp và ngành ngân hàng nhiều vốn có thể đứng vững trước bất cứ cú sốc nào trên thị trường vốn và nhà ở. IMF thừa nhận hành động chưa đủ, đặc biệt khi các chính phủ làm ngơ trước những nguy cơ mà IMF phát hiện. Thay vì công khai nói về những quan ngại của mình, IMF đã lùi lại và giảm nhẹ thông điệp.

Lâu nay, các nền kinh tế thị trường đang nổi lên đã khiếu nại về sự không công bằng của IMF và mong muốn quỹ này cũng chỉ ra những thiếu sót về chính sách tại các nước giàu. Các nước đang phát triển đang nỗ lực thúc đẩy để có thêm quyền bỏ phiếu trong IMF, tổ chức từ trước đến nay vẫn do Mỹ và châu Âu chi phối.

* Theo tin nước ngoài, các nước trên thế giới tiếp tục thúc đẩy các biện pháp kích cầu để vượt qua khủng hoảng.

Kể từ tháng 10-2008 đến nay, tổng số chi cho các biện pháp chấn hưng kinh tế mà các nước châu Á đưa ra chỉ vào khoảng 1,1 nghìn tỉ USD. Kinh tế Nhật Bản tồi tệ hơn mọi dự báo nên Tokyo đang tính việc đưa ra kế hoạch thứ ba, khoảng 200 tỉ USD để kích thích kinh tế. Năm 2008, Nhật Bản đã tung ra hai kế hoạch trị giá hơn 500 tỉ USD. Vào tháng 11-2008, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch kích cầu 585 tỉ USD, tập trung vào các dự án hạ tầng cơ sở, giảm thuế.

Trong khi đó, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu, cũng lần lượt công bố các kế hoạch chấn hưng kinh tế. Malaysia hiện đang xem xét khả năng đưa ra các biện pháp bổ sung, khoảng 2,7 tỉ USD sau khi đã có một kế hoạch gần 2 tỉ USD, được công bố hồi tháng 11-2008. Còn Singapore mạnh dạn sử dụng nguồn ngoại tệ, sẽ chi ra khoảng 13 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế, vì theo dự báo, tăng trưởng của nước này trong năm 2009 có thể sụt giảm tới 10% nếu như xuất khẩu tiếp tục đi xuống.

Tháng 2-2009, Quốc hội Indonesia đã phê chuẩn kế hoạch kích thích kinh tế hơn 6 tỉ USD, trong khi Thái Lan cho biết sẽ chi 54 tỉ USD và nếu cần, sẽ đi vay để hỗ trợ các hoạt động kinh tế.

Chia sẻ bài viết