25/10/2008 - 09:24

IMF sẽ thay đổi ?

Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều nền kinh tế có “của ăn của để” như Brazil, Argentina, Nga, Venezuela từng đồng loạt thanh toán nợ trước hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khiến cho “vốn nhàn rỗi” của định chế tài chính này không sinh lợi, đồng thời làm giảm ảnh hưởng của IMF trong thế giới tiền tệ. Tuy nhiên, tình hình hiện nay xem ra đã khác.

Mấy ngày gần đây, IMF liên tục nhận được cầu cứu từ một loạt nền kinh tế như Iceland, Pakistan, Ukraina, Hungary và Belarus. Theo các nhà phân tích, Croatia, Albanie, Macedonia, Serbia cũng đang đứng trước khả năng phải nhờ sự trợ giúp của IMF. Ít ai ngờ rằng Iceland, được mệnh danh là “Tiểu hổ Bắc Đại Tây Dương” với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn 2,5% năm 2007 và GDP bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới với 39.400 USD/năm, lại lâm vào tình trạng hoàn toàn phá sản. Đầu tiên, Iceland ngỏ lời nhờ sự hỗ trợ của Nga nhưng chưa được chấp thuận, nên buộc phải quay sang IMF với hy vọng có khoản vay khẩn cấp chừng 5-6 tỉ USD. Pakistan cũng đang đứng trên bờ vực phá sản do giá trị đồng nội tệ sụt giảm 25% kể từ đầu năm đến nay, trong khi dự trữ ngoại hối của nước này chỉ đủ khả năng thanh toán trong 6 tuần lễ nữa. Ukraina thì cần khoản vay có thể lên đến 14 tỉ USD...

Hiện nay, IMF đang nắm trong tay khoảng 200 tỉ USD để sẵn sàng hỗ trợ các nước gặp khó khăn. Tuy nhiên, người ta lo ngại số tiền đó sẽ không đủ bởi cuộc khủng hoảng tài chính còn lâu mới kết thúc, trong khi danh sách các quốc gia cần cứu giúp có thể còn dài thêm. IMF cũng đã phủ nhận thông tin nói rằng họ có kế hoạch tung ra gói trợ giúp lên đến 1.000 tỉ USD. Dẫu sao thì với 200 tỉ USD, IMF cũng đã là cái “phao cứu sinh” đối với những nền kinh tế đang bên bờ vực phá sản. Vấn đề là IMF có dễ dàng móc hầu bao hay không.

Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra, nhiều nền kinh tế mới nổi đã yêu cầu IMF tạo ra một cơ chế tài chính mới giúp họ có thể vay tiền nhanh chóng, bỏ qua việc áp dụng các tiêu chuẩn hà khắc. Còn nhớ hồi những năm 1980, Mỹ La-tinh từng điêu đứng vì những điều kiện cho vay hết sức khó đáp ứng của IMF. Mặt khác, sự trợ giúp của IMF thường diễn ra chậm trễ hoặc nhỏ giọt, dẫn tới thiếu hiệu quả.

Tuy biết bị làm khó dễ khi vay tiền của IMF, nhưng trước cảnh “dầu sôi lửa bỏng” như hiện nay, nhiều nước không còn sự lựa chọn nào khác là phải cầu cứu IMF. Nhưng lần này người ta hy vọng IMF đã rút ra được những bài học của quá khứ và sẽ hành động đúng với sứ mạng cao cả của mình là hỗ trợ các nước đang phát triển, nhất là trong lúc khó khăn.

PHÚC GIA AN (Theo Le Monde, Reuters)

Chia sẻ bài viết