31/07/2021 - 11:21

Iceland - nơi sống tốt nhất cho phụ nữ 

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Iceland vẫn là quốc gia bình đẳng giới nhất hành tinh, vị trí mà nước này đã liên tục nắm giữ kể từ năm 2009.

Thủ tướng Iceland Jakobsdottir cũng từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng phụ nữ lãnh đạo thế giới. Ảnh: mpowerenergy.com

Thủ tướng Iceland Jakobsdottir cũng từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng phụ nữ lãnh đạo thế giới. Ảnh: mpowerenergy.com

Báo cáo của WEF thống kê 14 tiêu chí thuộc 4 nhóm: Cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế, giáo dục, sức khỏe và sự trao quyền chính trị. Mười vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng thể hiện sự tiến bộ vượt trội về bình đẳng giới của các nước: Iceland, Phần Lan, Na Uy, New Zealand, Thụy Điển, Namibia, Rwanda, Litva, Ireland, Thụy Sĩ.

Iceland đứng đầu trong danh sách 156 quốc gia vì thực hiện rất tốt việc trao quyền chính trị cho phụ nữ. Hồi năm 2016, “bóng hồng” từng chiếm tới gần 48% tổng số nghị sĩ tại đảo quốc này. Ngày nay, tỷ lệ đó giảm xuống 39,7%, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều nước khác, chẳng hạn như Mỹ chỉ có 23,7% nghị sĩ quốc hội là phụ nữ. Ngoài ra, 40% vị trí bộ trưởng của Iceland cũng thuộc về phái yếu. Bà Katrin Jakobsdottir, 45 tuổi, hiện là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Iceland. Iceland cũng là quốc gia đầu tiên có nữ tổng thống do dân bầu. Cụ thể, năm 1980, bà Vigdis Finnbogadottir đã trở thành tổng thống thứ 4 trong lịch sử Iceland và là nữ nguyên thủ dân cử đầu tiên trên thế giới. Bà Finnbogadottir đảm trách vị trí này trong 16 năm và giữ kỷ lục là nữ nguyên thủ dân cử cầm quyền lâu nhất.

Về vấn đề bình đẳng tại nơi làm việc, Iceland là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu các công ty phải chứng minh họ không trả lương cho phụ nữ thấp hơn nam giới, khi luật về trả lương bình đẳng ở nước này có hiệu lực vào năm 2018. Trong khi hành động trả lương khác nhau cho nam và nữ làm cùng một công việc là trái pháp luật tại nhiều nước, nhưng không ít công ty đã vi phạm quy định này mà không bị trừng phạt. Trong khi đó, luật về bình đẳng tiền lương của Iceland nêu rõ, tất cả các công ty và đơn vị kinh doanh có ít nhất 25 nhân viên làm việc toàn thời gian đều phải cam kết chi trả thù lao công bằng cho nhân viên. Các công ty này sẽ phải trải qua quá trình thanh tra và cấp giấy chứng nhận chi trả lương bình đẳng cho cả hai giới, nếu không đạt yêu cầu họ sẽ phải chịu mức phạt khoảng 500USD/ngày. Những đơn vị được cấp chứng nhận mà không tuân thủ thực hiện cũng sẽ bị phạt.

Luật về bình đẳng tiền lương được đánh giá như một biện pháp thiết thực giúp đất nước 350.000 dân này thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu nhập giới. Trên qui mô toàn cầu, trung bình phụ nữ chỉ được trả mức lương bằng 68% của nam giới cho cùng một công việc, theo WEF. Ngay cả Thụy Sĩ là quốc gia  nam - nữ bình quyền hàng đầu thế giới, nhưng tháng 6 vừa qua, hàng ngàn phụ nữ tại đây đã đồng loạt xuống đường tuần hành để yêu cầu trả lương bình đẳng hơn. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Thụy Sĩ, trung bình phụ nữ nước này kiếm được ít hơn 12% so với nam giới đối với công việc giống nhau.

Không chỉ ban hành luật về bình đẳng tiền lương, Iceland cũng nỗ lực đảm bảo ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ các chức vụ cao nhất của công ty. Hiện nay, phụ nữ Iceland đã hiện diện rõ rệt ở những vị trí cấp cao và quản lý, khi lần lượt chiếm 41,9% và 45,9% đối với hai vai trò này.

HẠNH NGUYÊN (Theo The CEO Magazine)

Chia sẻ bài viết