27/04/2011 - 08:48

Hy vọng gì ở "nhóm bô lão" ?

“Nhóm bô lão” từ trái sang phải: Robinson, Carter, Brundtland và Ahtisaari. Ảnh: AP

Nhóm 4 vị “bô lão” gồm cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson và cựu Thủ tướng Na Uy Gro Brundtland hôm qua (26-4) đã bắt đầu chuyến thăm Bình Nhưỡng 3 ngày. Theo hãng tin Mỹ AP, cựu lãnh đạo Nhà Trắng của đảng Dân chủ hy vọng chuyến đi này sẽ gặp được Chủ tịch Kim Jong Il để tìm giải pháp cho tình hình thiếu lương thực hiện nay ở nước này cũng như nối lại tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đây là lần thứ ba ông Carter đến Bình Nhưỡng. Lần đầu tiên vào năm 1994, ông đã có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành (thân sinh ông Kim Jong Il) và tạo môi trường thuận lợi thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tháng 8 năm ngoái, ông lại sang Bình Nhưỡng với sứ mạng giải cứu công dân Mỹ Aijalon Mahli Gomes bị bắt vì tội xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp và bị tuyên án 8 năm tù lao động khổ sai cùng số tiền phạt 600.000 USD. Lần này, ngoài các mục tiêu như đã nói, ông Carter còn có thể giúp giải phóng Jun Young-su, người Mỹ gốc Hàn Quốc bị bắt từ tháng 11 năm ngoái vì phạm tội chống lại nhà nước này.

Công dân Mỹ bị CHDCND Triều Tiên bắt giữ và sau đó được các cựu lãnh đạo Nhà Trắng sang giải cứu là “chuyện dài nhiều tập” trong quan hệ giữa hai nước. Tháng 8-2009, cựu Tổng thống Bill Clinton từng đến Bình Nhưỡng giúp hồi hương hai nhà báo Laura Ling và Euna Lee bị kết án 12 năm tù lao động khổ sai cũng vì tội xâm nhập lãnh thổ trái phép.

Tuy nhiên, sứ mạng của ông Carter lần này sẽ quan trọng hơn nhiều với sự giúp sức của 3 vị cựu lãnh đạo khác từ Phần Lan, Ireland và Na Uy. “Nhóm bô lão”, được thành lập năm 2007 và đang nằm dưới sự điều hành của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, hy vọng sẽ có những đề xuất làm hài lòng Bình Nhưỡng và các bên liên quan đến tiến trình đàm phán hạt nhân. Cựu Tổng thống Phần Lan Ahtisaari là “bậc thầy” trung gian hòa giải quốc tế, còn nữ cựu Thủ tướng Na Uy Brundland là “chuyên gia” chăm sóc y tế thế giới, trong khi nữ cựu Tổng thống Ireland Robinson đặc biệt quan tâm đến quyền con người.

Như phát biểu của ông Carter trước khi tới Bình Nhưỡng, những thiếu thốn hiện nay của người dân nước này phần lớn là do chính sách cấm vận quốc tế kéo dài 50 năm qua, và vì vậy, họ cần nhận được sự giúp đỡ của các nước để vượt qua khó khăn. Nếu các kiến nghị nhân đạo của các “bô lão” được hưởng ứng thì việc nối lại tiến trình đàm phán hạt nhân 6 bên gồm CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Nga sẽ không còn trở ngại.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

“Nhóm bô lão” từ trái sang phải: Robinson, Carter, Brundtland và Ahtisaari. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết