Ireland là quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố phá sản trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng hồi đầu năm 2009. Mới đây, trung tâm tài chính thế giới Dubai, đầu não của nền kinh tế Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), cũng bị vỡ nợ, dù thời buổi khó khăn đã sắp qua đi. Và hiện nay, Hy Lạp, một quốc gia có nền kinh tế khá mạnh của Liên minh châu Âu (EU), cũng có nguy cơ rơi vào tình cảnh tương tự.
Trả lời phỏng vấn của Truyền hình Bloomberg mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou mặc dù thừa nhận thật sự đang gặp khó khăn, nhưng trấn an dư luận rằng nước này hoàn toàn không có nguy cơ khất nợ hay buộc phải tìm kiếm gói cứu trợ tài chính từ EU. “Chúng tôi sẽ không là Ireland hay Dubai mới”, ông Papaconstantinou tự tin. Ông khẳng định thị trường tài chính Hy Lạp sẽ không rơi vào hỗn loạn trong vài tháng tới và cho biết thêm chính phủ nước này sẽ đưa ra tất cả những biện pháp cần thiết để khôi phục lòng tin đã bị mất trước các nhà đầu tư, đồng thời công bố một kế hoạch trung hạn hướng đến mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách và kiềm chế nợ công. Mức cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách của ông Papaconstantinou là từ 12,7% GDP, cao hơn gấp 4 lần mức cho phép của EU, xuống còn 9,1% GDP. Trong khi đó, nợ công của Hy Lạp được dự báo có thể tăng từ mức 113% GDP hiện nay lên 125% GDP vào năm tới. Còn tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 18%, gấp 2 lần con số báo cáo chính thức hồi tháng 9 sau khi EU hoãn chương trình hỗ trợ việc làm cho nước này.
Về phần mình, Thủ tướng George Papandreou cũng hứa chính quyền của ông đang và sẽ làm tất cả những gì cần thiết để cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công, coi đây là cách duy nhất giúp Hy Lạp tránh nguy cơ mất chủ quyền quốc gia. Theo các nhà phân tích, ý của nhà lãnh đạo cánh tả này là nếu Hy Lạp không thể tự giải quyết khó khăn tài chính của chính mình thì sẽ bị EU trừng phạt, đồng thời phải cầu cứu sự giúp đỡ của EU và các tổ chức tài chính quốc tế khác. Và khi phải xin tiền viện trợ của nước ngoài, Hy Lạp dĩ nhiên sẽ ít nhiều bị mất quyền đưa ra các biện pháp chi tiêu tài chính của mình.
Trong khi đó, dư luận châu Âu đang theo dõi sát tình hình Hy Lạp với quan ngại rằng nếu nền kinh tế lớn thứ 27 thế giới này (tổng GDP 357 tỉ USD) vỡ nợ sẽ tác động dây chuyền đến khu vực.
PHÚC GIA AN
(Theo AFP, Time, FT, Bloomberg, AP)