 |
Cổng đình Bình Thủy (TP Cần Thơ). |
Trong thành ngữ dân gian, hoặc trong cuộc sống xã hội trước đây, đôi lúc người ta nghe nói: “Phép vua thua lệ làng”. Vậy thực chất “lệ làng” là gì mà đến nỗi “phép vua” (được hiểu như luật pháp) có khi phải “chịu thua”?
“Lệ làng” là tên gọi nôm na trong dân gian để chỉ hương ước hay còn gọi là khoán ước, hương biên, hương lệ, hương khoán, khoán làng... Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - GS Đinh Gia Khánh định nghĩa như sau: “Hương ước là bản ghi chép các điều lệ liên quan đến tổ chức xã hội cũng như đến đời sống xã hội trong làng, các điều lệ hình thành dần trong lịch sử, được điều chỉnh và bổ sung mỗi khi cần thiết”.
Xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp cùng với truyền thống yêu nước, đoàn kết và những phong tục, tập quán lâu đời, hương ước được soạn ra nhằm làm cho mọi người trong làng xã tuân theo những “luật lệ” cơ bản để bảo đảm ổn định cuộc sống của cư dân trong cộng đồng. Hương ước được soạn thảo với những quy định bao trùm lên đời sống, sinh hoạt hàng ngày của cư dân làng xã, như cơ cấu tổ chức thôn làng, các mối quan hệ xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng, khuyến nông, vệ sinh, trật tự, an ninh
hương ước được xem như một bộ luật riêng của làng.
Từ giữa đầu thế kỷ 18 đến trước năm 1945, các làng xã ở Việt Nam theo chế độ tự quản. Các vua chúa, quan lại phong kiến thực hiện việc quản lý nhà nước ở làng xã cơ bản dựa trên sổ sách, địa bộ, thông qua công cụ đắc lực là các hội đồng kỳ mục, tổng, hương, lý trưởng
Làng có công điền, công thổ, tư điền. Nên mỗi làng phải tự lo lấy việc trị an, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác. Chỉ những việc lớn, không giải quyết được mới đến chính quyền (huyện đường). Trong quá trình lịch sử của mình, hương ước thường luôn được điều chỉnh cho phù hợp với “luật vua, phép nước”.
Theo các nghiên cứu khoa học thì hương ước đã xuất hiện ở các làng, xã, thôn lân người Việt từ thế kỷ 15. Lúc xây dựng bộ luật Hồng Đức, để hoàn thiện, thống nhất “phép vua” từ trung ương đến cơ sở, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã có chỉ dụ như sau:
- Các làng xã không nên có khoản ước riêng vì đã có luật chung của nhà nước.
- Riêng làng xã nào có những tục khác lạ thì có thể lập khoán ước và cấm lệ.
- Trong trường hợp đó, thảo ra hương ước phải là người có trình độ nho học, có đức hạnh, có chức và có tuổi tác.
- Thảo xong, phải được quan trên kiểm duyệt và có thể bị bác bỏ. Trong sách “Việt Nam phong tục” được viết vào đầu thế kỷ 20 của nhà văn, nhà báo nổi tiếng Phan Kế Bính, tác giả có dẫn vài mục khoán ước của làng Đê Kiều thuộc tỉnh Bắc Ninh như sau - Ở mục “Tự Trị” có các quy định:
-Tiết thứ ba- Đánh nhau: Phàm người dân trong xã, không cứ quý tiện giàu nghèo, phải ăn ở với nhau cho tử tế, kính trên nhường dưới, hoặc ai có gì không phải thì trình dân, để dân xử, chớ có sinh tình ngạnh hóa, đánh chửi lẫn nhau cho người ta chê cười, thì đôi bên đều bị phạt.
-Tiết thứ tư- thưa kiện: Người trong dân có thưa kiện với nhau phải trình dân trước cho dân xử trước đã, chứ không được tự tiện lên ngay quan. Nếu ai không tuân thì sẽ bị phạt một đồng bạc nộp vào công quỹ bản xã.
Tiết thứ tám - Đàn ông: Đàn ông con trai trong làng không kể giàu nghèo, ai cũng lấy luân lý mà sửa mình, có nghề nghiệp làm ăn. Người nào lười biếng, du thủ du thực, bất nhân bất nghĩa, trái đạo làm người thì phải phạt truất ngôi hương ẩm.
-Tiết thứ tám - Đàn bà: Đàn bà con gái trong dân, người nào góa bụa hay chưa chồng, ai mà trăng hoa ong bướm làm mất giá trị đi, khán thủ, tuần phiên bắt được thì bị phạt một đồng bạc. Người nào thất tiết, hoang thai thì phải phạt tiền như nộp tiền cheo
- Tiết thứ mười hai - trộm cắp: Trong hương ấp ngoài đồng tiền hoặc có gian phi trộm cắp của công hay tư một tí gì, thức khinh vật trọng, như là tiền bạc, vật dụng và các giống súc vật, cùng là cây cối tre măng, thanh bông hoa quả, lúa mạ hoa màu
Những kẻ gian phi trong dân bị bắt được quả tang thì phải truất ngôi hương ẩm, người ngoài thì dân phải trình lên quan.
- Tiết thứ mười bốn - Tụ tập: Trong dân nhà nào tụ tập những kẻ gian phi, gá chứa cờ bạc hay làm điều phi pháp mà khán thủ, tuần phiên(1) ẩn nặc không trình hương chính, lý trưởng thì khán thủ, tuần phiên và những người làm điều phi pháp phạm cấm ấy đều có lỗi phải phạt.
- Tiết mười lăm - khách lạ: Trong dân, nhà nào có khách lạ đến chơi cách đêm thì phải trình cho khán thủ biết. Nếu không trình, nếu khán thủ, tuần phiên đi tuần soát thấy thì nhà ấy phải phạt. Người lạ ở cách đêm nếu như là người làm ăn lương thiện thì được, nếu như du đãng thì không cho ở.
Hương ước tuy có khác nhau do vùng miền, phong tục, tập quán của từng địa phương, nhưng về cơ bản giống nhau ở các điểm:
Thưởng: Trong làng ai có công thì sẽ được thưởng, tùy theo công lớn, nhỏ sẽ được cho làm khán thủ, trưởng tuần, sung vào “quan viên, chức sắc”(2), miễn trừ tạp dịch.
Phạt: Có khá nhiều mức phạt về dân sự đối với những hành vi như: uống rượu say nói càn, xâm phạm đánh người tôn trưởng, ăn cắp gà vịt, bẻ măng tre, con gái chửa hoang... làm cho quan trên quở trách, tốn kém dân làng thì phải phạt. Những người nầy thường bị làng phạt hai, ba quan tiền kẽm, bị tước bỏ một số quyền lợi như không cho dự chiếu ẩm ở đình làng, công quán; không được sung vào hàng chức sắc, quan viên.
Việc ân, nghĩa: Trong làng, không phân biệt gái trai, già trẻ, sang hèn, ai có công lao với làng xã thì lúc còn sống được tôn trọng, khi mất đi dân làng sẽ khắc tên vào bia để nhớ mãi về sau.
Hương ước làng Cổ Ninh (Thái Bình) nói về việc khuyến nông thời ấy như sau: “Toàn dân trong làng bầu ra người giữ phần việc khuyến nông trông coi đê cống, đôn đốc tuấn đinh tháo nước, đóng nước, khuyến khích việc cày ruộng trồng dâu, tùy thời vụ mà báo cho chủ điền cày cấy, nếu ai thiếu đói thì vay hộ tiền thóc, ai không đủ lực cày cấy thì khuyến khích, đốc thúc. Nếu có kẻ lười nhác rong chơi (bỏ hoang ruộng đất) thì trình làng biết để điều người đến cày cấy, trợ giúp, đến mùa thu hoạch thì chia cho chủ ruộng bốn phần mười thôi”.
Theo tác giả Phạm Ngọc Đức: Xã Dương Liễu (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) có bản Khoán ước được lập đầu tiên năm 1666 (Cảnh Trị, đời vua Lê Huyền Tông) có tên “Dương Liễu xã khoán ước” gồm quan viên và “mọi người lớn nhỏ” trong xã cùng nhau đặt ra.
Bản Khoán ước này quy định ngay điều đầu tiên: “Nếu ai cậy anh, cậy em, cậy thế, cậy quyền mà ngăn trở làm trái khoán ước thì bị phạt 5 quan tiền cổ, không tha”. Những hành vi không tuân thủ pháp luật, lộng quyền, tố cáo sai, cưới gả mà con không thuận tình, quan viên tự tiện mời khách đến ăn uống hoặc nói năng bừa bãi trong nhà người khác khi có việc
đều bị làng xử phạt với các hình thức khác nhau từ phạt tiền đến không cho ngồi ăn uống cùng, nếu người bị phạt chết con cái phải chịu thay, nếu không làng sẽ không làm đám tang cho”.
Hương ước thời phong kiến ở các làng xã Việt Nam lúc bấy giờ rất được tôn trọng. Theo PGS, TS sử học Đinh Khắc Thuân, Viện Hán-Nôm, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, tại cuộc tọa đàm “Một số vấn đề về hương ước làng xã người Việt” ngày 20-6-2012 tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội: “Hương ước giữ vị trí quan trọng, nó điều chỉnh các quan hệ xã hội, dung hòa giữa tục lệ của làng xã và luật pháp của nhà nước”.
Có nhiều hương ước thời xưa quy định những điều khoản tương trợ, giúp đỡ nhau trong tình làng nghĩa xóm cùng với việc sử dụng đất công điền hợp lý:
Quả phụ điền và cô nhi điền: ruộng dành trợ cấp cho đàn bà góa và trẻ mồ côi.
- Học điền: ruộng dành trợ cấp cho con nhà nghèo đi học.
- Trợ sưu điền: ruộng dành trợ cấp cho người nghèo đóng thuế.
- Nghĩa điền: rộng dành trợ cấp cho người nghèo khổ trong thôn xóm.
Sau khi hương ước, khoán ước được định xong, dân làng ký kết. Có nơi hương ước được trình lên quan trên để xin phê duyệt. Sau khi quan trên xem xét không có gì trái với “phép nước” và chấp thuận thì hương ước sẽ có giá trị như những điều luật bắt buộc với những chế tài, phạt vạ tùy theo quy định từng nơi
Đa phần những hương ước, khoán ước thời xưa ở các làng xã Việt Nam mang nội dung tích cực, một số đã trải qua quá trình thể nghiệm, được nhân dân, cộng đồng, xã hội, chọn lọc công nhận và mặc nhiên trở thành những thuần phong, mỹ tục. Tuy nhiên, vào thời phong kiến ở nước ta, cũng có một số không ít địa phương có những bản hương ước lạc hậu, với những quy định có lợi cho giai cấp cai trị, người giàu có, thậm chí còn mang tính bạo lực, dã man như: tục con gái chửa hoang bị gọt tóc, bôi vôi. Căng nọc(3), đóng gông(4), phạt roi, trượng quá mức đối với những tội nhỏ, vặt vãnh. Người chết vì tai nạn hoặc tự tử (không cho để trong nhà), người cơ nhỡ, già yếu, nghèo khổ (bị phân biệt đối xử), bệnh nan y (bị cách ly không ai chăm sóc). Nạn sưu dịch, nô dịch, đóng tiền, thuế, phí vô tội vạ. Các quan viên, chức sắc dựa vào khoán ước ra sức tận thu, vơ vét sưu thuế từ làng xã, giao nộp cho quan trên khiến nông thôn xơ xác, nông dân nghèo khổ, nông nghiệp tiêu điều... Những hương ước đi ngược lại bản chất nhân văn, tinh thần đoàn kết dân tộc, xu thế đổi mới tiến bộ của thời đại thường bị đào thải qua một thời gian ngắn ngủi, trở thành những hủ tục bị nhân dân tẩy chay, xa lánh!
Ngày nay, tại các địa phương ở Việt Nam, nhân dân đã tự nguyện xây dựng những quy ước văn hóa có những điều lệ văn minh, thiết thân, gắn kết với cuộc sống trong tinh thần đoàn kết, mang tính nhân văn, tiến bộ, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Mai Lý
Chú thích:
(1) Quan viên, chức sắc: những trí thức khoa bảng, võ quan, chánh phó tổng, lý trưởng, hương trưởng, hương sư, tổng sư và những người bỏ tiền ra mua chức danh ở làng xã
(2) Khán thủ, tuần phiên: lực lượng bảo vệ làng xã
(3) Căng nọc: Tội nhân bị trói căng ra giữa hai cây cọc, một trên đầu (trói hai tay), một dưới chân (trói hai chân).
(4) Đóng gông: đeo vào cổ tội nhân một miếng ván bằng gỗ hoặc bằng tre
Tư liệu tham khảo:
-Tạp chí Nghiên cứu Văn Hóa số 5 (2013)-Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội
- Việt Nam phong tục ( Phan Kế Bính NXB Hồng Đức 2012)
- Sổ tay văn hóa Việt Nam (Đặng Đức Siêu NXB Lao Động 2006)
- Dựng hương ước làng cho có thành tích? -Phạm Ngọc Đức (Báo Pháp Luật Việt Nam ( 14.02.2013)