26/11/2020 - 06:34

Hướng đến nền nông nghiệp sạch, xanh, bền vững 

Nhu cầu lương lực, thực phẩm nói chung và nông sản nói riêng của thế giới có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng thì chất lượng nông sản đáp ứng tiêu chí ăn ngon hơn, sạch hơn và trách nhiệm hơn đang trở thành xu thế. Từ thực tế này, TP Cần Thơ đang nỗ lực định hướng nông dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy hướng đến sản xuất sạch, tiêu dùng xanh để tạo sự thuận lợi cho đầu ra nông sản ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Từ “ăn no” đến “ăn ngon, ăn sạch”

Rau sạch đạt chuẩn VietGAP của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa.

Rau sạch đạt chuẩn VietGAP của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, chia sẻ: “Trước đây, do trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đời sống nhân dân đói nghèo nên Việt Nam đặt mục tiêu an ninh lương thực lên hàng đầu, kéo theo đó là các giải pháp thâm canh, tăng năng suất. Hiện nay, đất nước ta đã phát triển sang giai đoạn mới, thu nhập và đời sống nhân dân được nâng lên, nhu cầu “ăn no” đã chuyển dần sang “ăn ngon, ăn sạch”. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của thành phố hiện nay không còn nhiều, hầu hết đã sản xuất thâm canh, song ngành Nông nghiệp thành phố vẫn mong muốn và quyết tâm tổ chức sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Bởi đây là hướng đi phù hợp để tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng giá trị trên cùng một diện tích đất và cải thiện thu nhập cho người nông dân”.

Nhận thức được điều này, nhiều nông dân, hợp tác xã đã đầu tư phát triển sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái theo hướng sạch để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Được thành lập năm 1996, công ty mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại phục vụ chế biến lúa gạo. Tất cả các loại gạo chúng tôi cung cấp đến tay người tiêu dùng, phải có xuất xứ từ nguồn lúa do công ty trực tiếp trồng hoặc liên kết với nông dân trồng. Đồng thời, được đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật của công ty cùng các cơ quan, tổ chức chuyên về nông nghiệp trong nước và quốc tế quản lý, kiểm soát từ khi gieo cấy đến khi thu hoạch. Hiện công ty đã phát triển vùng nguyên liệu 8.000ha theo hướng chỉ sản xuất lúa sạch và hữu cơ. Nhà máy và cánh đồng trồng lúa của công ty được quản lý nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn ISO và HACCP.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, năm 2020, diện tích sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP của thành phố khoảng 360ha và 100ha đạt tiêu chuẩn Global GAP. Trên rau màu, thành phố xây dựng và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất rau an toàn và mở rộng vùng sản xuất rau an toàn tập trung. Hiện nay, đã mở rộng 18 vùng sản xuất rau với diện tích 229ha, sản lượng 28.390 tấn. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 10,2ha, tập trung tại Bình Thủy. Thành phố có 13 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn trái tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng và huyện Cờ Đỏ, Phong Điền đạt chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích 268ha. Đồng thời, hỗ trợ cấp 7 mã code xuất vào thị trường Mỹ, Úc và Hàn Quốc cho các vùng cây ăn trái tại huyện Cờ Đỏ, Phong Điền và quận Thốt Nốt với tổng diện tích 98,4ha.

Sản xuất, kinh doanh trách nhiệm hơn

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song quá trình sản xuất, chế biến và phân phối nông sản sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng còn gặp nhiều bất cập: sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở ở xa, thông tin giao dịch chậm, không thuận tiện cho việc giao nhận hàng hóa, nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng yếu tố thời vụ, thời tiết… Đáng chú ý, tình trạng sản phẩm an toàn chưa được phổ biến và tiêu thụ rộng rãi. Từ đó dẫn đến tình trạng người dân không thể tiếp cận được với các kênh sản xuất, phân phối nông sản sạch, an toàn trong khi doanh nghiệp, nông dân lại gặp khó trong tiếp cận thị trường…

Nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện hiện nay, Việt Nam hội đủ các yếu tố, điều kiện để sản xuất nông sản sạch với số lượng lớn, không những đáp ứng được cho người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang các quốc gia khác. Vấn đề mấu chốt là phải thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân. Ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thấy rõ được lợi ích của việc sản xuất sạch, tiêu dùng xanh từ đó tạo mối liên kết sản xuất, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. PGS.TS Lê Văn Vàng, Trưởng Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, đề xuất: “Mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao rất phù hợp với TP Cần Thơ. Mô hình này không chỉ tạo thuận lợi về khoảng cách chuyên chở, phân phối; giảm chi phí tồn trữ, bảo quản mà còn đáp ứng về độ tươi ngon của sản phẩm nông sản. Đặc biệt, do diện tích canh tác nhỏ nằm trong và lân cận khu vực đô thị, mô hình nông nghiệp đô thị có thể dễ dàng ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa sản xuất và giảm giá thành”.

Theo ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng tại các nước Âu - Mỹ hiện nay không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn coi trọng cách thức làm ra sản phẩm đó (sự thân thiện với môi trường sinh thái, cộng đồng, nhân đạo và lành mạnh…). Nhiều phong trào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường phát triển rất mạnh. Đơn cử như phong trào tẩy chay thực phẩm gây béo phì, phong trào thương mại công bằng, phong trào tiêu dùng theo lương tâm… Tất cả những điều nói trên cho thấy, dự báo nhu cầu thị trường về dòng sản phẩm sạch, hữu cơ ngày càng rõ ràng, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi và nhanh chóng thích ứng.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết