Theo các nhà khoa học, hiện nay, có nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Để giúp nông dân nâng cao nhận thức về việc sử dụng phân bón và các loại nông dược một cách hợp lý theo xu hướng bền vững, Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp lần thứ 10 với chuyên đề "Ứng dụng một số sản phẩm hữu cơ sinh học trong trồng trọt".
* Triển vọng nông nghiệp hữu cơ
 |
Nông dân huyện Vĩnh Thạnh thực hiện quy trình nuôi cấy nấm xanh để phun xịt trên lúa phòng trừ rầy nâu.
Ảnh: MỸ THANH |
Tính đến năm 2010, diện tích nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đạt 21.000ha, chiếm 0,2% tổng diện tích đất sản xuất và đóng góp doanh thu khoảng 12-14 triệu USD. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long: "Phong trào nông nghiệp hữu cơ đang phát triển và có chỗ đứng nhất định trong nền nông nghiệp thế giới. Một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm từ nền nông nghiệp hữu cơ để sử dụng mặc dù các loại nông sản hữu cơ có giá bán cao hơn rất nhiều so với nông sản canh tác truyền thống".
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhiều loại sản phẩm nông, thủy sản (đặc biệt là các mặt hàng gạo, cà phê, cá tra, tôm,
). Tuy nhiên, các quốc gia nhập khẩu đang dựng lên hàng loạt hàng rào kỹ thuật và kiểm tra ngày càng gắt gao chất lượng các mặt hàng nông, thủy sản, tồn dư các chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, hàm lượng các kim loại nặng trong nông sản
Vì vậy, việc ứng dụng chế phẩm sinh học đưa vào sản xuất nông nghiệp, thay thế dần các sản phẩm hóa học sẽ góp phần nâng cao chất lượng nông, thủy sản, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, giảm những tác hại đến tài nguyên đất, nước.
Hiện nay, một số tỉnh phía Nam đã và đang triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (sản phẩm điều, khóm, xoài
) để cung cấp cho các nhà nhập khẩu sản phẩm hữu cơ phục vụ thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Tỉnh Cà Mau thực hiện dự án nuôi thủy sản hữu cơ (tôm sú) kết hợp với bảo tồn rừng ngập mặn. Tỉnh An Giang triển khai dự án nuôi cá tra hữu cơ giúp nông dân gia tăng lợi nhuận 15% so với nuôi cá truyền thống. Nổi bật có thể kể đến mô hình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ của Công ty Cổ phần - Thương mại Viễn Phú (Cà Mau). Sản phẩm gạo hữu cơ do công ty sản xuất là sản phẩm gạo hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đối với các địa phương khác, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang dần hình thành và mang lại kết quả khả quan, bước đầu thay đổi tập quán canh tác của nông dân.
Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ: "Ngành nông nghiệp Cần Thơ triển khai chương trình hỗ trợ nông dân chế phẩm nấm xanh thương mại Ometar phun trên quy mô cộng đồng (3.000-4.000ha/năm) nhằm hạn chế dịch hại rầy nâu, giảm số lần sử dụng thuốc hóa học, thay thế bằng chế phẩm sinh học. Ngoài ra, do nhu cầu thâm canh, tăng vụ, vòng quay của đất trồng lúa ở TP Cần Thơ trung bình là 2,6 lần/năm, nên ngành nông nghiệp đã xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Tricoderma phun lên ruộng lúa sau thu hoạch. Điều này giúp gốc rơm rạ mau phân hủy, giảm ngộ độc hữu cơ, giảm ô nhiễm môi trường".
* Xác định mục tiêu cụ thể
Sản phẩm hữu cơ hiện nay rất đa dạng, bao gồm: Sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, tăng sức sinh trưởng; Sản phẩm tăng khả năng đề kháng, phòng trừ sâu bệnh (nhóm chế phẩm bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học); Các loại chế phẩm sinh học dùng để cải tạo đất, xử lý các chế phẩm trong nông nghiệp, xử lý rơm rạ, ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước. Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng: "Việc sử dụng chế phẩm hữu cơ sinh học là xu hướng tất yếu và ngày càng gia tăng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm hữu cơ sinh học không đồng nghĩa loại bỏ các sản phẩm phân bón hóa học. Nông dân nên chọn sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ làm nền tảng, các sản phẩm phân bón vô cơ, phân hóa học chỉ bổ sung thêm để nâng cao hiệu quả canh tác, tiến tới thay thế dần các sản phẩm hóa học gây hại cho môi trường và con người".
Tuy nhiên, theo đánh giá chung từ các nhà khoa học và ngành nông nghiệp các địa phương, trước tình hình biến đổi khí hậu, áp lực dịch hại, nhất là dịch rầy nâu khiến một bộ phận nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, do chế phẩm sinh học phát huy hiệu quả chậm sau khi phun nên nông dân không mặn mà sử dụng, ảnh hưởng đến việc triển khai mô hình đến nông dân. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: "Khi sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, nông dân cần xác định mục tiêu rõ ràng, theo các yêu cầu cụ thể của địa phương và doanh nghiệp. Sản phẩm hữu cơ phải được người mua chấp nhận và có thị trường ổn định". Theo ông Phạm Văn Quỳnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ sinh học hiện còn nhỏ lẻ, nên chưa thể khuyến khích nông dân áp dụng với diện tích canh tác lớn. Chỉ khi nào xác định được đầu ra cho sản phẩm hữu cơ thì mới xây dựng vùng sản xuất tương ứng. Trước mắt, các địa phương cần tổ chức nông dân sản xuất hiện đại theo cánh đồng, tổ, nhóm; vận động nông dân canh tác theo hướng sinh học, an toàn và thân thiện môi trường. Đây sẽ là nền tảng để chuyển dần sang canh tác nông nghiệp hữu cơ. Khi sản xuất có định hướng và tập hợp lại, nông dân sẽ dễ dàng chứng minh chất lượng và thuận lợi tìm đầu ra cho sản phẩm hữu cơ.
Trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các địa phương cần dành sự quan tâm thích đáng đối với nông nghiệp hữu cơ, một hợp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững của đất nước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Chín-Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng: "Nhà nước cần khích lệ, hỗ trợ nông dân và các công ty tư nhân kinh doanh nông sản hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ dựa trên thế mạnh của từng địa bàn để có nguồn sản phẩm với sản lượng lớn, ổn định, chất lượng đạt tiêu chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tư nhân quốc tế chuyên cung cấp các chứng chỉ sản phẩm nông nghiệp mở văn phòng tại nhiều vùng miền ở Việt Nam để sẵn sàng làm dịch vụ cho những công ty kinh doanh xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ đi các nước khác nhau trên thế giới cũng như tại thị trường nội địa".
MINH HUYỀN