16/02/2011 - 09:57

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ Ở TP CẦN THƠ

Hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao

Thời gian qua, hoạt động thương mại tại TP Cần Thơ đã có bước phát triển mạnh, số lượng các siêu thị và cơ sở hoạt động thương mại ngày càng tăng.
Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Siêu thị Đại Khánh ở quận Bình Thủy.

Thời gian qua, hoạt động công nghiệp, thương mại và dịch vụ ở TP Cần Thơ có bước phát triển mạnh, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa và các kênh phân phối, bán hàng đa dạng, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng hàng trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố. Song, hiện nay việc phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ tại thành phố vẫn còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có...

Hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có nhiều khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động như: KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 (155 ha), KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B, KCN Thốt Nốt-giai đoạn 1... Ngoài ra, thành phố còn có nhiều cụm công nghiệp tại quận, huyện và một số KCN khác đang thực hiện quy hoạch. Tổng diện tích các KCN đang hoạt động là hơn 914,5 ha, các doanh nghiệp đã thuê hơn 546,5 ha. Các KCN này giúp giải quyết việc làm cho hơn 34.210 lao động. Năm qua, các KCN Cần Thơ thu hút 9 dự án mới, với số vốn khoảng 67,6 triệu USD và 11 dự án tăng vốn, với số vốn tăng gần 45,7 triệu USD. Đến cuối năm 2010, trừ các dự án bị thu hồi, các KCN Cần Thơ có 192 dự án còn hiệu lực...

Về thương mại, cùng với hệ thống chợ truyền thống (102 chợ) đang từng bước được sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới hiện đại, thành phố hiện đã có 10 siêu thị lớn và nhiều cửa hàng tiện ích. Năm 2010, đã có 13 chợ và 2 khu Trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, với tổng vốn đầu tư hơn 294,4 tỉ đồng. Thời gian qua, các siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống chợ trên địa bàn đã phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả. Ngoài ra, thành phố còn có trên 12.100 hộ, cá thể tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa.

Năm 2010, dù giá cả thị trường có nhiều biến động, nhất là giá các vật tư đầu vào và lãi suất ngân hàng tăng cao, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ (CN và TM, DV) trên địa bàn TP Cần Thơ đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 của thành phố ước đạt hơn 19.372 tỉ đồng, tăng 16,15% so với năm 2009. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 931,85 triệu USD, tăng 10,8% so với năm 2009. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn ước thực hiện 68.290 tỉ đồng, tăng 26,4% so với năm 2009...

Từ thực tế kết quả đạt được năm qua, năm 2011 ngành Công thương thành phố phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất công nghiệp là 22.950 tỉ đồng, tăng 18,5% so với ước thực hiện năm 2010. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu và doanh thu ngoại tệ năm 2011 là 1,05 tỉ USD, tăng 12,7% so với năm 2010. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa là 1,018 tỉ USD và doanh thu dịch vụ ngoại tệ 32 triệu USD. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2011 là 81.800 tỉ đồng, tăng 19,8% và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là 39.600 tỉ đồng, tăng 22,9% so với ước thực hiện năm 2010.

Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp tại thành phố, thời gian qua, UBND thành phố và các sở, ngành chức năng đã quan tâm, kịp thời giúp doanh nghiệp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó do thiếu mặt bằng hoặc giá thuê mặt bằng cao, cơ sở hạ tầng tại một số khu công nghiệp chưa đồng bộ; tình trạng cúp điện không báo trước làm ảnh hưởng đến sản xuất; chi phí sản xuất tăng do còn thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ và phải tốn nhiều khâu vận chuyển trung gian... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại rất mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về công tác giải phóng mặt bằng, về lãi suất vốn vay, nhất là khi họ tham gia đầu tư phát triển chợ...

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho rằng: Thời gian tới, thành phố cần có thêm các cơ chế chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh việc thu hút đầu tư vào các KCN Cần Thơ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh do lãi suất tiền vay ngân hàng đang ở mức cao. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng tại nhiều KCN ở Cần Thơ cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Do vậy, Cần Thơ cần có hướng đi riêng. Chẳng hạn như: tập trung ưu tiên, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám và công nghệ cao; có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng điện, nước tại các KCN và các ngành công nghiệp phụ trợ, nhà ở cho công nhân... tạo sức hút đối với nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ tại thành phố, rất cần sự phối hợp chặt giữa các sở, ngành và địa phương trong việc kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, cũng như các khó khăn vướng mắc vốn đã tồn tại trong nhiều năm qua cho doanh nghiệp. Có sự phối hợp chặt giữa các bên có liên quan và sự tích cực tham gia của các thành phần kinh tế thì mới có thể giải quyết được các vấn đề bức xúc trong phát triển công nghiệp và thương mại tại thành phố như: việc thu hút đầu tư; vấn đề đầu tư phát triển chợ; phát triển công nghiệp phụ trợ; xây dựng các cụm công nghiệp tại các địa phương...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết