31/08/2020 - 19:31

Huawei gặp hạn, Thâm Quyến lao đao 

Kể từ tháng 9, lệnh cấm vận mới của Mỹ đối với Huawei và các chi nhánh sẽ có hiệu lực. Nhiều nhà phân tích cho rằng lệnh cấm cung cấp chất bán dẫn sử dụng thiết bị và phầm mềm Mỹ chẳng khác nào là “án tử” cho tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc.

Khuôn viên trụ sở Tập đoàn Huawei tại Thâm Quyến. Ảnh: SCMP

Khuôn viên trụ sở Tập đoàn Huawei tại Thâm Quyến. Ảnh: SCMP

Hiện tại, Huawei cũng đang “mệt mỏi” vì Mỹ không ngừng cố gắng ngăn chặn tập đoàn này tham gia phát triển mạng lưới viễn thông 5G trên toàn cầu, đồng thời bị hạn chế tiếp cận các thành phần công nghệ trọng yếu của Mỹ. Sự suy giảm hoạt động kinh doanh hay sự sụp đổ hoàn toàn của Huawei không chỉ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Thâm Quyến mà còn làm tổn hại lòng tin của công chúng về sức mạnh kinh tế và kỹ thuật của Trung Quốc.

Sự sụp đổ của Huawei sẽ là thảm họa cho Thâm Quyến, đặc khu kinh tế 40 tuổi hình thành từ một làng chài. Huawei là tập đoàn đóng góp lớn nhất, chiếm khoảng 7% GDP của Thâm Quyến năm 2016 và là công ty duy nhất đóng góp hơn 100 tỉ nhân dân tệ (14,4 tỉ USD) vào nền kinh tế địa phương. Ðó chỉ là sự đóng góp trực tiếp của Huawei vào nền kinh tế thành phố, nếu kể luôn các nhà cung cấp và dịch vụ thì ảnh hưởng của tập đoàn này còn lớn hơn gấp nhiều lần. Sự lớn mạnh của Huawei đã góp phần giúp Thâm Quyến hồi năm ngoái vượt qua Hong Kong về quy mô kinh tế.

Huawei cũng đã giúp thành phố 13 triệu dân Thâm Quyến trở thành điểm đến hàng đầu trong chương trình thu hút các tài năng công nghệ của Chính phủ Trung Quốc. Tập đoàn này đã tạo dựng thanh danh của mình như là nơi hào phóng cho những bộ óc sáng suốt nhất và những lao động chăm chỉ nhất. Chẳng hạn, Tiến sĩ 27 tuổi Zhang Ji - chuyên gia trí tuệ nhân tạo từ Ðại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, được Huawei tuyển dụng với mức lương khởi điểm lên tới 2,01 triệu nhân tệ (291.000USD)/năm, cao hơn mức trung bình 200.000 nhân dân tệ đối với các tiến sĩ mới khác. Huawei cũng là nhà tuyển dụng lớn nhất đối với các sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học tốp đầu của Trung Quốc năm 2019. Trong số 194.000 nhân viên trên toàn cầu của Huawei, hơn phân nửa tham gia nghiên cứu và phát triển.

“Cái chết” tiềm ẩn của Huawei rõ ràng cũng sẽ tác động dây chuyền đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đe dọa sự cáo chung của kỷ nguyên mà các công ty Trung Quốc được nhìn nhận như là những nhân tố then chốt trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Sự khó khăn của Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế lo lắng và tìm cách rút khỏi thị trường này.

Hồi đầu tháng 8, Công ty Catcher Technology do Ðài Loan đầu tư đã thông báo sẽ bán toàn bộ cổ phần cho Trung Quốc với giá 1,43 tỉ USD. Công ty này là nhà cung cấp cho Tập đoàn Apple của Mỹ. Trước đó hồi tháng 7, nhà cung cấp khác cho Apple đóng tại Ðài Loan là Wistron cho biết sẽ bán 2 trong số các công ty con của họ tại miền Ðông Trung Quốc.

Mô tả làn sóng các công ty quốc tế rút vốn khỏi Trung Quốc, một nhà nghiên cứu tại Thâm Quyến bình luận: “Giống như đầu những năm 2000, khi nhà đầu tư Mỹ yêu cầu các nhà cung cấp Ðài Loan và Hàn Quốc chuyển địa bàn từ Ðài Loan và Hàn Quốc sang Trung Quốc, nay cũng chính nhà đầu tư Mỹ yêu cầu những nhà cung cấp này tái di chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam, Ấn Ðộ và Ðài Loan”.

Li Daokui, Giáo sư Ðại học Thanh Hoa, thừa nhận tương lai quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ khó dung hòa bởi Mỹ và châu Âu không còn tin tưởng vào Bắc Kinh. Tuy vậy, ông Li lạc quan rằng thị trường nội địa 1,4 tỉ người tiêu dùng cùng với thị trường các nước tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường” vẫn đủ cho các công ty Trung Quốc như Huawei. “Ðây sẽ là kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa” - ông Li nói.

 Trong 2 bài viết trên báo Le Journal De Dimanche (Pháp) và Political Exterior (Tây Ban Nha), Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell gọi Trung Quốc như một “đế chế mới” với tham vọng bành trướng, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên của khối phải “sửa chữa” sự mất cân bằng kinh tế với Bắc Kinh trước khi quá muộn.  Ông cũng chỉ trích Trung Quốc hủy hoại các chuẩn mực quốc tế, bao gồm vấn đề Biển Đông. Các bài viết của ông Borrell được xuất bản giữa lúc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm nhiều nước châu Âu và chỉ còn 2 tuần nữa diễn ra thượng đỉnh trực tuyến của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc-EU.

ĐỨC TRUNG (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
HuaweiThâm Quyến