31/03/2023 - 09:09

Hợp tác xã nông nghiệp phát huy vai trò trong xu thế mới 

Bài, ảnh: MỸ  HOA

TP Cần Thơ có 155 HTX nông nghiệp, với gần 2.950 thành viên và trên 10.600 lao động thường xuyên, hoạt động đa dạng ở các ngành nghề. Trong đó có hơn 50% HTX nông nghiệp tổ chức tốt các khâu dịch vụ hỗ trợ như cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bơm tưới; quan tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc cùng các chứng nhận như VietGAP; liên kết với doanh nghiệp sản xuất gắn với tiêu thụ… Qua đó, không chỉ đáp ứng được nhu cầu hợp tác, phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, mà còn làm gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên vào HTX.

Ông Nguyễn Thành Nghi giới thiệu vườn nhãn được trồng theo quy trình VietGAP của HTX Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn.

Để hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nhà vườn, năm 2017, HTX vườn cây ăn Trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền đã vận động 34 nhà vườn bắt tay hợp tác cùng nhau trồng các loại sầu riêng, vú sữa... theo quy trình VietGAP; đồng thời HTX còn tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng huyện và thành phố, liên kết với doanh nghiệp thu mua tổ chức dịch vụ đầu vào và đầu ra đúng thời vụ cho nhà vườn. Nhờ đó, HTX không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế vườn, mà còn làm tăng giá trị nông sản, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho mỗi hộ thành viên, với gần 100 triệu đồng/năm.

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, cho biết: Nhờ được ngành chức năng thành phố hỗ trợ tham gia dự án, liên kết doanh nghiệp xuất khẩu, nên nhiều năm qua HTX đã mạnh dạn đầu tư trồng vú sữa và sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời tổ chức tốt việc cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên như cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong quy trình sản xuất, cải tạo đất để nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo an toàn cho trái cây sau thu hoạch. Cùng với đó, HTX còn xây dựng kho để bảo quản thuốc bảo vệ thực vật chung cho các thành viên, quản lý phân bón an toàn cho người lao động; tổ chức tiêu thụ nông sản sau thu hoạch cho thành viên, thông qua các hợp đồng liên kết giữa HTX với doanh nghiệp. Nổi bật là HTX đã ký được hợp đồng với Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu để bao tiêu đầu ra cho thành viên, đưa trái vú sữa thâm nhập thị trường Mỹ.

Xây dựng mạng lưới kết nối cho 60 thành viên HTX và cả trăm nhà vườn trồng nhãn ở phường Thới An, quận Ô Môn, nhằm điều tiết hơn 465ha nhãn được thu hoạch luân phiên, là cách làm "tránh dội chợ" khá hữu hiệu được HTX Thới Trinh áp dụng trong nhiều năm liền. Qua đó, vừa đáp ứng sản lượng trái cây theo yêu cầu cung ứng cho các đầu mối tiêu thụ trong và ngoài thành phố, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nhà vườn có hợp tác làm ăn với HTX. Ước tính, với diện tích canh tác trên 1ha nhãn Ido, nhà vườn thu hoạch đạt từ 20 tấn/ha, bán với giá từ 20.000-30.000đồng/kg, tùy thời điểm, nhà vườn thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Thành Nghi, Giám đốc HTX Thới Trinh, chia sẻ: Nhờ có sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ của quận Ô Môn, đã giúp cho các thành viên HTX Thới Trinh duy trì quy trình trồng nhãn đạt chuẩn VietGAP trong nhiều năm liền. Hiện nhãn hay ổi Ruby của thành viên trong HTX Thới Trinh thu hoạch tới đâu đều được thương lái tới vườn thu mua tới đó, với giá cả khá ổn định. Không chỉ vậy, HTX còn có khả năng cung ứng gần 1.000 tấn trái cây/năm cho các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh trái cây sạch trong và ngoài thành phố… Ðể gia tăng hiệu quả kinh tế, HTX còn định hướng cho thành viên duy trì việc trồng cây ăn trái theo hướng sạch; kết hợp đầu tư xây dựng nhà sơ chế, đóng gói trái cây. Ðồng thời, HTX tranh thủ sự trợ lực của ngành chức năng các cấp để tăng cường kết nối doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho nhà vườn vào HTX.

Theo ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, Liên minh HTX đã tích cực tư vấn, giúp các HTX nông nghiệp tổ chức, vận hành tốt các dịch vụ hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho thành viên; tổ chức cho HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nông sản theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, thành phố đã có nhiều HTX nông nghiệp đã tận dụng tốt lợi thế, áp dụng quy trình GAP vào sản xuất, ký kết các hợp đồng tiêu thụ ổn định doanh nghiệp, từng bước xây dựng được thương hiệu, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, hàng chủ lực của địa phương. Ðây là một tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn thành phố. Song, thực tế việc tiêu thụ nông sản của HTX nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn về đầu ra cũng như giá cả bấp bênh do biến động thị trường.

Mặt khác, việc giá cả vật tư, phân bón tăng mạnh đã làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư canh tác của các thành viên HTX… Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX trong nền kinh tế thị trường, các ngành, các cấp cần tăng cường hỗ trợ cho các HTX tiếp cận được các nguồn lực, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, hỗ trợ cho các HTX tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, gắn chuyển đổi số; đẩy mạnh các chương trình hợp tác giữa các HTX với các thành phần kinh tế… Từ đó giúp các HTX tiếp cận được nhiều nguồn lực hỗ trợ, phát huy hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, nông sản đặc trưng của thành phố; khẳng định vai trò của HTX nông nghiệp trong xu thế mới.

Chia sẻ bài viết