14/08/2024 - 09:18

Hợp tác quốc tế góp phần nâng cao vị thế cơ sở đào tạo 

Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế (HTQT) góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như vị thế của cơ sở giáo dục đại học. Thời gian qua, nhiều trường đại học (ĐH) tại TP Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động HTQT, giao lưu học thuật giữa sinh viên… bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Dấu ấn giao lưu sinh viên Việt - Hàn

Sinh viên Phạm Thị Bé Duyên, đang học năm cuối ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường ÐH FPT Cần Thơ, cho biết chương trình giao lưu với sinh viên Trường ÐH Khoa học Tự nhiên Myongji (Hàn Quốc) giúp các sinh viên tham gia hiểu biết nhiều hơn về văn hóa, con người Hàn Quốc. Các bạn sinh viên Hàn Quốc khiêm tốn, thân thiện, tác phong làm việc và học tập năng động. “Qua chương trình, em muốn giới thiệu đến các bạn về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam và ĐBSCL. Cụ thể về cảnh quan miền sông nước Cửu Long, các món ăn, văn hóa ẩm thực, cách ăn mặc của bà con”, Phạm Thị Bé Duyên chia sẻ. 

Các đại biểu và sinh viên Trường ÐH FPT Cần Thơ và Trường ÐH Khoa học Tự nhiên Myongji tại buổi giao lưu.

Chương trình Giao lưu văn hóa giữa sinh viên Trường ÐH FPT Cần Thơ và Trường ÐH Khoa học Tự nhiên Myongji (Hàn Quốc), do Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP Cần Thơ phối hợp Hiệp hội Giao lưu châu Á (AEA) tổ chức vào giữa tháng 7-2024. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Tình nguyện viên ÐH Myongji tại Việt Nam”. Tại đây, sinh viên hai trường đã giao lưu, chia sẻ về những giá trị văn hóa Việt - Hàn thông qua các tiết mục văn nghệ, như Korean Fan Dance, K-pop Dance, Taekwondo Dance, biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam, trình diễn Việt Võ Đạo (Vovinam)...; tham gia giao lưu các trò chơi tập thể, trao đổi kiến thức về văn hóa Việt - Hàn; thưởng thức các món ăn đặc sản của ĐBSCL. Lee Da Kyeong, tình nguyện viên - sinh viên Trường ÐH Myongji Hàn Quốc, tâm tình: “Em rất vui khi được tham dự chương trình giao lưu văn hóa. Thông qua các tiết mục trình diễn, em được hiểu thêm về âm nhạc và vũ đạo Việt Nam. Em còn được thưởng thức nhiều đặc sản. Bản thân em ấn tượng nhất chính là sự thân thiện và hiếu khách của mọi người nơi đây”.

Ông Ji Young Il, Trưởng đoàn Tình nguyện viên Trường ÐH Myongji, chia sẻ: “Bên cạnh việc quảng bá văn hóa Hàn Quốc đến Việt Nam, các bạn sinh viên còn rất trẻ, nên hãy có thật nhiều ước mơ, trải nghiệm; góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam và Hàn Quốc”. Thầy Huỳnh Văn Bảy, Trưởng Ban Đào tạo, Trường ÐH FPT Cần Thơ, cho biết, hoạt động giao lưu văn hóa nhằm mang đến cho sinh viên tại TP Cần Thơ cơ hội trải nghiệm tiếp cận với ngôn ngữ, văn hóa và con người Hàn Quốc. Đồng thời, mong muốn sinh viên hai trường xây dựng mối quan hệ đoàn kết tốt đẹp, lan tỏa tinh thần đoàn kết, cùng nhau phát triển. 

Là trường ÐH đầu tiên đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn tại vùng ĐBSCL, đến nay Trường ÐH FPT Cần Thơ đã làm việc và kết nối với nhiều doanh nghiệp, tổ chức, các trường ÐH nhằm tạo ra nhiều hoạt động trải nghiệm cho hơn 200 sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn. Tháng 9-2023, Trường ÐH FPT đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên Ngôn ngữ Hàn khóa đầu tiên. Sắp tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giao lưu học thuật, nghệ thuật, văn hóa với các trường ÐH, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm mang đến những trải nghiệm đa dạng cho sinh viên; xây dựng nền tảng vững chắc về kiến thức, kỹ năng, tư duy và giá trị văn hóa Việt Nam để sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn tự tin bước ra thế giới.

Thời gian qua, Hội Hữu nghị Việt - Hàn TP Cần Thơ cùng với Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP Cần Thơ thực hiện tốt nhiệm vụ xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, hỗ trợ kết nối nhiều tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc đến làm việc, thực hiện nhiều dự án trên địa bàn thành phố. Trong đó, AEA là một trong những đối tác tích cực trong các hoạt động phi chính phủ nước ngoài thông qua các chương trình tình nguyện viên Hàn Quốc thường niên. Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc TP Cần Thơ, cho biết mỗi năm vào kỳ nghỉ hè và nghỉ đông tại Hàn Quốc, sinh viên của các trường ĐH Hàn Quốc sẽ đến giao lưu văn hóa tại TP Cần Thơ. Điển hình là chương trình tình nguyện viên của ĐH Nữ sinh Duksung (năm 2018), ĐH Ngoại ngữ Hankuk (năm 2023). Năm nay là năm thứ 3 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Myongji tổ chức đoàn tình nguyện viên đến TP Cần Thơ, góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.

Đa dạng hoạt động HTQT

Trong giai đoạn hội nhập, việc đẩy mạnh HTQT là xu hướng tất yếu của các cơ sở giáo dục ĐH, nhằm đào tạo nguồn nhân lực vững vàng về chuyên môn, ngoại ngữ, có đủ khả năng đáp ứng môi trường làm việc quốc tế.

Đơn cử như Trường ĐH Cần Thơ không chỉ được biết đến cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, có quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL, mà còn có thế mạnh HTQT. Nổi bật là Dự án Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản; với mục tiêu nâng cấp thành trường xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ và quản trị ÐH. Dự án được thực hiện trong 7 năm (từ năm 2015 đến 2022), có tổng kinh phí 2.250 tỉ đồng. Cuối tháng 10-2022, nhà trường đã khánh thành hai công trình: Tòa nhà phức hợp Phòng thí nghiệm và Tòa nhà Công nghệ cao; thuộc Dự án Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ. Năm học 2022-2023, trường đã cử 523 lượt sinh viên, học viên đi học ngắn hạn và giao lưu với các trường ĐH ngoài nước; cử trên 460 lượt viên chức - người lao động đi công tác, tham dự hội nghị, hội thảo, đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục ở nước ngoài.

Một tiết mục văn nghệ tại Chương trình Giao lưu văn hóa giữa sinh viên Trường ÐH FPT Cần Thơ và Trường ÐH Khoa học Tự nhiên Myongji.

Tương tự, ngay từ những ngày đầu thành lập cách nay hơn 10 năm, Ban Giám hiệu Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ xác định công tác HTQT, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng, tạo thương hiệu của trường. Vì thế, nhà trường chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên, ban hành các chuẩn đầu ra ngoại ngữ (TOEIC 450 và tương đương) và tin học; đảm bảo sinh viên tốt nghiệp phải đạt trình độ đủ sức hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Trường đã có 2 đợt tiếp nhận trợ giảng tiếng Anh thuộc Chương trình Fulbright của Đại sứ quán Mỹ đến hỗ trợ giảng dạy tại trường (năm học 2015-2016 và năm học 2024-2025). Trường còn tạo điều kiện cho viên chức, giảng viên học tập, nâng cao trình độ tại các cơ sở ngoài nước; hỗ trợ chi phí để sinh viên giao lưu với nước bạn…

Ở Trường ĐH Nam Cần Thơ, mới đây đã thành lập Khoa Y quốc tế DNC, là nơi tiếp nhận đào tạo sinh viên quốc tế đến từ các nước: Ấn Độ, Srilanka, Nepal, các nước Trung Đông và các quốc gia khác tham gia học tập chương trình đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe đã được cấp phép đào tạo tại trường. Trước đó, nhà trường đã ký kết hợp tác với Tổ chức The Vietnam Medical Educations - Ấn Độ (VMED) để tiếp nhận đào tạo 150 sinh viên quốc tế khóa đầu tiên tại trường. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, việc thành lập Khoa Y quốc tế DNC là bước ngoặt quan trọng trong hợp tác không chỉ trên lĩnh vực giáo dục, mà còn thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, phát triển toàn diện của Việt Nam và các nước.

Sau hơn 11 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Nam Cần Thơ đã chính thức có tên trong danh sách các trường ĐH Y đạt những tiêu chí do Chuyên trang uy tín WDOMS (World Directory of Medical Schools) Hoa Kỳ bình chọn, trở thành địa chỉ đào tạo nghề y được công nhận trên thế giới. Đây cũng là tiền đề để sinh viên Khoa Y của trường có cơ hội được phép thi Bác sĩ nội trú Hoa Kỳ, trở thành sinh viên Y khoa quốc tế trong thời gian tới.

*  *  *

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH, 2 phân hiệu ĐH. Bên cạnh đầu tư các nguồn lực, các trường đã đa dạng các hoạt động HTQT trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, giao lưu học thuật... Việc đẩy mạnh HTQT trong các cơ sở giáo dục ÐH không chỉ tạo dấu ấn hội nhập, mà còn thúc đẩy sự phát triển các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng, vị thế các đơn vị.

Bài, ảnh: B.KIÊN

 

Chia sẻ bài viết