23/08/2023 - 17:54

Hợp tác khoa học Mỹ - Trung trước nguy cơ đổ vỡ 

MAI QUYÊN

Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung Quốc đang làm chậm tốc độ hợp tác giữa các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu hai nước, trong tương lai có nguy cơ làm suy yếu một số tiến bộ khoa học tiên tiến nhất.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (phải) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ký hiệp định hợp tác khoa học công nghệ 
năm 1979.

Năm 1991, cứ 100.000 trẻ sơ sinh ở Mỹ thì có khoảng 25 trẻ sinh ra với tật nứt đốt sống, một dị tật bẩm sinh có thể gây tê liệt và tổn thương não. Trong 15 năm sau, tỷ lệ mắc bệnh giảm gần 1/3 nhờ một phát hiện đơn giản rằng bổ sung axit folic trước và trong thai kỳ có thể hạn chế đáng kể nguy cơ dị tật ống thần kinh vốn gây ra tật nứt đốt sống và hội chứng thai vô sọ hiếm gặp. Ðó là một trong những thành công lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng và có được nhờ sự hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Mỹ với Trung Quốc - theo cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden.

Ðến nay, hợp tác Mỹ - Trung đã mang lại nhiều tiến bộ khoa học đáng kể, đặc biệt trong cuộc chiến giảm ô nhiễm không khí hay ứng phó thảm họa thiên tai. Tuy nhiên, tương lai những thành quả này đang bị đe dọa khi quan hệ 2 cường quốc xấu đi và chưa có dấu hiệu cải thiện. Trong diễn biến mới nhất, một số nhà lập pháp ở Washington đang cân nhắc chấm dứt gia hạn Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ - Trung (STA), vốn được ký kết lần đầu tiên vào năm 1979 sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, được gia hạn 5 năm một lần và dự kiến hết hạn vào ngày 27-8 tới.

Sợ hãi và kỳ thị làm giảm hợp tác

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về các cuộc đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, đại sứ nước này tại Mỹ, Tạ Phong trước đó cho biết Bắc Kinh muốn gia hạn thỏa thuận STA với Washington. Theo các nhà quan sát, Trung Quốc từ lâu được hưởng lợi từ các nguồn tài trợ và quan hệ đối tác với Mỹ. Lấy ví dụ, từ năm 2015-2021, các cơ quan Chính phủ Mỹ cung cấp gần 30 triệu USD cho các thực thể Trung Quốc trong các hoạt động giám sát dịch bệnh, nghiên cứu vaccine và công nghệ máy bay không người lái.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt ở Hạ viện về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, nghị sĩ Mike Gallagher nói rằng STA gây nguy hiểm cho quyền sở hữu trí tuệ xứ cờ hoa. Một số nhà lập pháp trong ủy ban còn kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhanh chóng chấm dứt thỏa thuận để tránh Trung Quốc lợi dụng hợp tác và đạt được các tham vọng riêng về quân sự. Thái độ này là một ví dụ về hệ quả của mối quan hệ song phương ngày càng xói mòn. Xét ở khía cạnh khoa học, các nhà nghiên cứu cảnh báo động thái như vậy sẽ cản trở tiến trình giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia mà cả 2 quan tâm, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ giai đoạn 2018-2022 đã triển khai dự án mang tên “Sáng kiến ​​Trung Quốc”, mục tiêu là loại bỏ hành vi gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ của Bắc Kinh trong lĩnh vực nghiên cứu và các ngành công nghiệp nước nhà. Chương trình sau đó bị chỉ trích phân biệt đối xử và đã dừng triển khai, nhưng nó tạo ra cảm giác sợ hãi mạnh mẽ trong cộng đồng khoa học và được coi là dấu hiệu cảnh báo về môi trường ngày càng thù địch đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Mỹ. Một số nhà khoa học được Hãng tin Guardian phỏng vấn nói rằng những ảnh hưởng này vẫn còn tồn tại. Ðáp trả Mỹ, nhiều trường đại học Trung Quốc chú trọng hơn vào việc xây dựng các công trình nghiên cứu của riêng họ và bắt đầu tăng cường giám sát đối với các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó là nỗ lực của chính phủ để thu hút các nhà nghiên cứu Trung Quốc trở về quê hương. Năm 2021, Trung Quốc từ nước xuất khẩu ròng trở thành nước nhập khẩu ròng các nhà khoa học.

Tất cả những điều này, cùng với những hạn chế của đại dịch COVID-19, đã làm chậm lại tốc độ hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và tổ chức Mỹ - Trung. Theo công ty dữ liệu theo dõi nghiên cứu khoa học Clarivate, khoảng 1/3 nghiên cứu của Mỹ về viễn thông và khoa học máy tính và 1/5 nghiên cứu khoa học môi trường xuất bản giai đoạn 2017-2021 được thực hiện với sự hợp tác của Trung Quốc. “Tất cả các nghiên cứu có ảnh hưởng trên diện rộng đều là kết quả của hợp tác quốc tế. Bỏ lỡ điều đó chính là nhát dao kết liễu đối với khoa học” - nhà khoa học trưởng Jonathan Adams của Viện Thông tin Khoa học tại Clarivate cảnh báo.

Chia sẻ bài viết