23/10/2022 - 09:01

Hong Kong nỗ lực thu hút nhân tài 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Với tuyên bố “chủ động tìm kiếm nhân tài trên thế giới”, chính quyền Hong Kong mới đây đã đưa ra một loạt biện pháp để thu hút nhân tài đến xứ Cảng Thơm nhằm cải thiện năng lực quản lý, tăng cường động lực phát triển, mang lại sức sống và sự ổn định hài hòa cho đặc khu.

Sinh viên quốc tế đang theo học tại Hong Kong. Ảnh: Cuhk

Lực lượng lao động giảm đáng lo ngại

Theo Trưởng Ðặc khu Hành chính Hong Kong Lý Gia Siêu, ngoài việc tích cực đào tạo, giữ chân nhân tài, chính quyền Hong Kong sẽ nỗ lực hơn nữa để thu hút nhân tài nước ngoài. Theo đó, Hong Kong sẽ khởi động “Chương trình chứng nhận thông hành nhân tài cao cấp” trong 2 năm. Những người có đủ điều kiện bao gồm những người có mức lương hàng năm từ 2,5 triệu đô la Hong Kong (khoảng 320.000USD) trở lên và người tốt nghiệp từ 100 trường đại học hàng đầu thế giới, có 3 năm kinh nghiệm trở lên. Ðối với sinh viên tốt nghiệp từ 100 trường đại học hàng đầu thế giới không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm làm việc nhưng đã tốt nghiệp trong vòng 5 năm qua cũng có thể được cấp chứng nhận. Ông Lý hy vọng chính sách mới sẽ giúp Hong Kong mỗi năm tuyển dụng được 35.000 lao động có tay nghề cao.

Hong Kong cũng sẽ nới lỏng “Chính sách việc làm chung”, “Chương trình thu hút nhân tài Ðại lục”, cũng như chính sách “sinh viên tốt nghiệp không phải người bản xứ ở lại/trở lại làm việc tại Hong Kong”, bằng cách kéo dài thời gian lưu trú từ 1 năm lên 2 năm. Ðể đẩy nhanh tốc độ nhập khẩu nhân tài, Hong Kong tối ưu hóa “Kế hoạch nhân tài công nghệ nhập cảnh” và loại bỏ quy định các công ty công nghệ phải tuyển thêm nhân viên trong nước khi thu hút nhân tài nước ngoài. Ngoài ra, Hong Kong cũng sẽ hủy bỏ hạn ngạch hàng năm của “Chương trình nhân tài ưu tú nhập cảnh” trong thời hạn 2 năm và tối ưu hóa quy trình phê duyệt để thu hút thêm nhiều nhân tài đẳng cấp thế giới. Mặt khác, các nhân tài theo các chương trình thu hút tài năng hiện có và mới được bổ sung có thể được cấp thị thực làm việc lên đến 3 năm sau khi đến làm việc tại đặc khu này.

Các biện pháp cấp bách trên nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám trong 2 năm qua, khiến lực lượng lao động địa phương giảm khoảng 140.000 người. Ðáng lo ngại, Hong Kong cũng đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về lượng thị thực lao động được cấp kể từ năm 2020. Theo thống kê của chính quyền Hong Kong, 13.821 thị thực đã được cấp vào năm ngoái theo “Chính sách việc làm chung”, so với con số 14.617 thị thực được cấp vào năm 2020. Trước đó, vào năm 2019, tổng cộng 41.793 thị thực đã được cấp.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Dù ông Lý thể hiện quyết tâm “tìm kiếm nhân tài trên thế giới”, nhưng tính hiệu quả của các biện pháp nói trên hiện vẫn là nghi vấn. Hwang Eun-hee, sinh viên đại học Hàn Quốc tại Ðại học Hong Kong, dự định sẽ ở lại thành phố để tiếp tục học tập sau khi tốt nghiệp trong năm nay nhằm có được thẻ thường trú nhân sau khi đáp ứng yêu cầu sinh sống ở đây trong vòng 7 năm. Song, Hwang mới đây cho biết cô có kế hoạch quay trở lại xứ kim chi sau khi lấy được giấy cư trú ở Hong Kong, bởi cô cảm thấy thất vọng với các biện pháp phòng chống COVID-19 của thành phố cũng như chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại đây. Cùng với Ðại lục, chính quyền Hong Kong áp dụng chính sách “Zero COVID” gây nhiều tranh cãi.

Tương tự, Malin Victor Angell, cựu sinh viên ngành marketing tại Ðại học Bách khoa Hong Kong, cũng đang cân nhắc xem có nên rời thành phố sau khi có được thẻ thường trú nhân hay không, bởi các biện pháp phòng chống COVID-19 đã ảnh hưởng đến “túi tiền” của cô. Giám đốc marketing 25 tuổi này đã sử dụng hết số tiền tiết kiệm dành để về thăm gia đình ở Na Uy trong suốt 2 năm qua và ngày càng cảm thấy mệt mỏi vì bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Angell cho hay, việc gia hạn chương trình cho sinh viên tốt nghiệp không phải là người bản xứ có thể không tạo ra nhiều khác biệt do họ cần phải sống ở Hong Kong thêm một năm nữa để có được quyền cư trú sau khi hoàn thành 4 năm học và ở lại thêm 2 năm nữa mới được cấp thị thực mới.

Trong khi đó, áp lực cạnh tranh tìm kiếm nhân tài quốc tế ngày càng quyết liệt giữa lúc các thành phố đối thủ như Singapore và Dubai cũng đưa ra nhiều chính sách thu hút lao động chất lượng cao nước ngoài. Các nhà phân tích cho rằng ông Lý đang đứng trước sức ép phải nỗ lực tái định vị Hong Kong như là trung tâm thương mại và tài chính hàng đầu thế giới khi làn sóng di cư đã diễn ra trong những năm đại dịch COVID-19.

Chia sẻ bài viết