08/07/2009 - 09:22

Honduras - "phép thử" mới của Mỹ?

Những người ủng hộ ông Zelaya kéo về thủ đô sau cái chết của 2 người biểu tình.
Ảnh: AFP

Vai trò trọng tâm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Honduras bắt đầu chuyển từ Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) sang Mỹ, khi ngày 7-7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Manuel Zelaya kể từ khi ông bị lật đổ hôm 28-6. Cùng ngày, một phái đoàn gồm các nghị sĩ và những người ủng hộ chính phủ mới của Honduras đã tới Washington tiếp xúc với các quan chức chính quyền Mỹ.

Phái đoàn chính quyền mới của Honduras tới Washington nhằm thanh minh rằng phế truất ông Zelaya không phải là cuộc đảo chính quân sự mà là tiến trình hợp hiến. Cuối tuần rồi, các nhà lãnh đạo lâm thời cũng cho biết sẽ thúc đẩy đàm phán với OAS. Các nghị quyết có thể là cho phép ông Zelaya trở lại nắm quyền nếu ông từ bỏ kế hoạch thay đổi hiến pháp và cam kết ra đi khi hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 1 năm tới; hoặc ông có thể trở về và từ chức. Tuy nhiên, một thân tín của tổng thống bị phế truất cho biết ông Zelaya không nhượng bộ và sẽ nỗ lực trở lại Honduras lần nữa vào hôm nay 8-7. Hôm 5-7, ông Zelaya đã về nước nhưng máy bay chở ông bị quân đội ngăn không cho hạ cánh nên phải bay sang Nicaragua.

Cục diện hiện nay ở Honduras có thể là một “phép thử” đối với chiến lược mới của Washington ở Tây Bán cầu. Đó là Mỹ chỉ huy từ trong hậu trường trong khi OAS ra mặt gây sức ép lên chính quyền mới ở Honduras về việc phục chức cho ông Zelaya. Bằng cách đó, Mỹ vừa có thể chứng tỏ mình không còn là kẻ bá quyền, vừa thể hiện sự hợp tác rộng rãi hơn với các nước láng giềng như tuyên bố của Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh OAS gần đây. Thế nhưng, OAS đã không thể hiện được vai trò “trọng tài” cho cuộc khủng hoảng ở Honduras. Trong khi quyết định loại bỏ tư cách thành viên của Honduras, nội bộ OAS lại không nhất trí về phương thức giải quyết cuộc khủng hoảng này. Một số nước do Nicaragua và Venezuela “cầm trịch” muốn có giải pháp cứng rắn chống lại chính quyền mới của Honduras, như cấm vận thương mại và kể cả tấn công quân sự. Trong khi đó, một số nước khác do Canada và Mỹ dẫn đầu chủ trương tiến hành đàm phán với phe lật đổ ông Zelaya. Trong khi hầu hết các nước OAS đã rút đại sứ tại Honduras về nước thì Mỹ vẫn còn duy trì đặc phái viên ở đây. Vì sao như vậy? Các nhà phân tích chăm chú theo dõi những động thái của Mỹ để cố tìm ra chìa khóa giải mã cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Honduras.

N.MINH (Theo NYT, Washingtonpost, Reuters)

Trên các đường phố ở Thủ đô Tegucigalpa, tình hình trở nên cực kỳ căng thẳng sau khi có 2 người chết trong cuộc xung đột với binh sĩ hôm 5-7. Quân đội đã được triển khai bảo vệ phủ tổng thống, sân bay và các địa điểm quan trọng khác vào ngày 7-7, khi những người biểu tình ủng hộ ông Zelaya kéo về trung tâm Tegucigalpa, còn những người thân chính quyền lâm thời tuyên bố tổ chức cuộc “phản biểu tình” quy mô lớn nhất lịch sử nước này.


Những người ủng hộ ông Zelaya kéo về thủ đô sau cái chết của 2 người biểu tình. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết