30/11/2023 - 20:19

Hơn 5 triệu người chết vì khí thải từ nhiên liệu hóa thạch 

Ô nhiễm không khí là yếu tố môi trường hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong, nhưng có rất ít nghiên cứu toàn cầu chỉ ra nguyên nhân tử vong là do các nguồn ô nhiễm cụ thể nào. Theo nghiên cứu mới nhất về vấn đề này đăng trên Tạp chí Y khoa Anh (BJM), ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân khiến hơn 8 triệu người chết mỗi năm trên toàn thế giới, với 61% liên quan tới nhiên liệu hóa thạch.

Các chuyên gia quốc tế từ Anh, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha và Síp đã sử dụng một mô hình mới để ước tính số ca tử vong do ô nhiễm không khí liên quan đến nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đánh giá lợi ích sức khỏe tiềm năng từ các chính sách thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nguồn năng lượng sạch, tái tạo. Họ sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2019, dữ liệu về dân số và bụi mịn dựa trên vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng như hóa học khí quyển, khí dung và mô hình rủi ro tương đối.

Kết quả phân tích cho thấy vào năm 2019, có 8,3 triệu ca tử vong trên toàn thế giới là do bụi mịn có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micrômét (PM2.5) và ozone (O3) trong không khí, trong đó 5,1 triệu ca là do nhiên liệu hóa thạch. Con số này cao hơn rất nhiều so với hầu hết những nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa số ca tử vong toàn cầu với nhiên liệu hóa thạch - dùng nhiều trong sản xuất điện, công nghiệp và giao thông. Theo các chuyên gia, loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch có thể giúp ngăn chặn hàng triệu ca tử vong mỗi năm. 

“Kết quả (nghiên cứu) của chúng tôi cho thấy rằng việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu sẽ mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe. Những dữ liệu này ủng hộ chủ trương tăng tỷ trọng năng lượng sạch, tái tạo của Liên Hiệp Quốc thông qua các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và trung hòa khí thải nhà kính vào năm 2050” - nhóm tác giả nhấn mạnh.

NGUYỆT CÁT (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết