23/01/2009 - 14:19

Hòa bình nóng !

Chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng. Ông Barack Obama (trái) và người tiền nhiệm George Bush. Ảnh: Reuters 

Không có biến cố lớn, nhưng bức tranh an ninh chính trị thế giới năm 2008 cũng không thiếu những nét chấm phá mà qua đó không khó để nhận ra rằng một trật tự thế giới mới đang dần được định hình, thay thế cho thế giới đơn cực tồn tại từ sau khi Liên Xô tan rã hồi đầu thập niên 1990. “Cuộc chiến 5 ngày” tại Gruzia làm hàng ngàn người thiệt mạng vào thượng tuần tháng 8 chứng tỏ “chú gấu Nga” đã thực sự tỉnh giấc sau thời kỳ ngủ đông và sẵn sàng đáp trả quyết liệt sự o ép của phương Tây. Song song đó, các cường quốc cũng tăng cường tập hợp lực lượng với tham vọng hoặc duy trì địa vị độc tôn (Mỹ) hoặc trở thành những thế lực lớn trong một thế giới đa cực sắp hình thành (Nga, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, EU...). Tại Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử 232 năm của nước này, một người da đen, ông Barack Obama, được bầu làm tổng thống, với đường lối đối ngoại có vẻ hòa hoãn hơn so với người tiền nhiệm. Do vậy, giới phân tích chính trị cho rằng ít có khả năng xảy ra một cuộc Chiến tranh lạnh mới, nhưng có thể thế giới đang bắt đầu giai đoạn mà họ gọi là “Hòa bình nóng”.

ĐỐI ĐẦU NGA - PHƯƠNG TÂY

Sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Nga và phương Tây bùng phát thành cuộc đối đầu quyết liệt sau khi Nga đưa quân vào Gruzia để đáp trả việc Gruzia tấn công Nam Ossetia, tỉnh ly khai của Gruzia, làm thiệt mạng một số công dân Nga. Sau đó, Nga tiến thêm bước nữa khi công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia, một tỉnh ly khai khác của Gruzia. Đáp lại, nhiều nước phương Tây lập tức đe dọa loại Nga khỏi Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8), ngưng đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với Mát-xcơ-va, tẩy chay Olympic Mùa Đông 2014 ở Sochi và tiến hành các biện pháp trừng phạt khác.

Niềm vui của gia đình ông Barack Obama trong ngày thắng cử. Ảnh: AFP 

Cứng rắn không kém gì người tiền nhiệm Vladimir Putin, tân Tổng thống Dmitry Medvedev tỏ ra không hề nao núng vì biết rằng với thực lực hiện nay của Nga, phương Tây chỉ dám “đánh võ mồm”. Mát-xcơ-va không sợ bị loại khỏi G-8 hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cắt đứt quan hệ đối tác vì G-8 không thể hoạt động hiệu quả nếu thiếu Nga, và NATO sẽ bị thiệt hại nhiều hơn một khi ngưng các mối quan hệ với nước này. Theo thỏa thuận được hai bên ký kết hồi tháng 4-2008, Mát-xcơ-va cho phép NATO vận chuyển trang thiết bị quân sự đến Afghanistan qua lãnh thổ Nga. Do đó, đóng băng quan hệ với Nga đồng nghĩa với việc thỏa thuận trên bị ngưng trệ và buộc NATO phải tìm con đường vận chuyển khác.

Cuối cùng, vì lợi ích của bản thân, phương Tây phải chấp nhận xuống thang. Liên minh châu Âu (EU) dù ban đầu “làm hùm làm hổ” nhưng rốt cuộc không thông qua biện pháp trừng phạt Nga. Bất chấp sức ép của Mỹ, NATO cũng trì hoãn việc kết nạp Gruzia và Ukraina để tránh gây thêm căng thẳng với Nga.

Trong khi đó, quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục xấu đi do Washington quyết tâm triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, mà cụ thể là lắp đặt một dàn tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và một trạm radar tại CH Czech. Nga cho rằng điều này uy hiếp an ninh của mình và dọa sẽ đáp trả. Thực tế là sau khi Ba Lan và Czech ký thỏa thuận hợp tác với Mỹ hồi tháng 8-2008, Nga đã tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa hiện đại mà theo lời họ là có khả năng xé nát bất kỳ lá chắn tên lửa nào, đồng thời cho biết sẽ triển khai tên lửa Iskander tại khu vực Kaliningrad nằm sát biên giới Ba Lan. Tổng thống Medvedev tuyên bố Nga sẽ hiện đại hóa các hệ thống phòng thủ hạt nhân từ nay đến năm 2020, bao gồm việc thiết lập một hệ thống phòng thủ trên không và không gian. Ngoài ra, ông Medvedev còn cho biết Nga sẽ bắt đầu sản xuất nhiều tàu chiến, tàu tuần dương có trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân đa dụng.

CHẠY ĐUA GẦY DỰNG THANH THẾ

Sự ăn ý giữa Tổng thống Nga Medvedev (phải) và Tổng thống Venezuela Hugo Chavez giúp Nga bước đầu thành công trong việc thành lập liên minh với các nước Mỹ La-tinh để làm đối trọng với Mỹ. 

Trong khi NATO do Mỹ cầm đầu tiếp tục thực hiện tham vọng mở rộng về phía Đông để “vươn vòi” ra toàn thế giới thì Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), được lập ra nhằm làm đối trọng với NATO, cũng không ngừng mở rộng ảnh hưởng của mình. SCO hiện có 6 nước thành viên gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và sẽ sớm kết nạp thêm một số nước trong số 4 quan sát viên là Ấn Độ, Pakistan, Mông Cổ và Iran. Các thành viên và quan sát viên của SCO hiện chiếm 1/4 diện tích Trái đất và gần một nửa dân số thế giới nên sẽ là đối thủ đáng gờm đối với NATO. Vì vậy, giới quan sát đã không quá lời khi gọi SCO là “NATO phương Đông”.

Đáp lại việc Mỹ ra sức lôi kéo các nước láng giềng của Nga về phía mình, năm 2008, Nga đã thực hiện chiến lược thọc sâu vào “sân sau” của Washington. Có thể nói quan hệ giữa Nga và Mỹ La-tinh chưa bao giờ nồng ấm như hiện nay. Thủ tướng Putin tuyên bố sẽ đưa quan hệ với Mỹ La-tinh trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga. “Mỹ La-tinh là mắt xích quan trọng trong chuỗi mắt xích thế giới đa cực đang hình thành”, ông Putin từng nói như vậy trong cuộc gặp Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela, đồng minh chiến lược mới của Nga. Tháng 9-2008, Nga đã đưa hai máy bay ném bom chiến lược TU-160 tới Venezuela, đánh dấu sự trở lại Tây bán cầu lần đầu tiên của chiến đấu cơ Nga kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, sau đó hải quân hai nước tập trận chung trên vùng biển Caribbe vào tháng 11. Điều làm Washington hết sức lo ngại là Nga không loại trừ khả năng thiết lập căn cứ quân sự ở Venezuela và tái hiện diện quân sự tại Cuba. Bên cạnh đó, Nga cũng thắt chặt quan hệ với một số quốc gia Mỹ La-tinh khác như Bolivia, Nicaragua, Ecuador... Nicaragua là quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Nga, công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia.

Châu Phi lâu nay dường như bị bỏ quên cũng đang được các cường quốc tranh nhau săn đón. Hiện Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, EU đều muốn có chỗ đứng tại lục địa giàu tài nguyên này, mà “chiêu” thường được sử dụng là tổ chức các hội nghị thượng đỉnh song phương. Trong số đó, Trung Quốc tỏ ra “cao cơ” hơn khi chỉ trong một thời gian ngắn đã vươn lên thành đối tác thương mại- đầu tư hàng đầu của lục địa đen. Đặc biệt, với nguồn dự trữ ngoại hối gần 2.000 tỉ USD, Trung Quốc sẵn sàng mở hầu bao tài trợ mà không kèm theo các điều kiện ràng buộc về chính trị nên nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các nước châu Phi.

Không chấp nhận đứng bên lề cuộc chơi, cùng với việc cam kết tăng viện trợ cho châu Phi, tháng 10-2008, Mỹ đã chính thức đưa vào hoạt động Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) với mục tiêu xác lập vị trí ở châu lục lớn thứ hai thế giới, về cả diện tích lẫn dân số này. Không giống như 5 bộ tư lệnh khu vực còn lại của Lầu Năm Góc, AFRICOM chú trọng sử dụng “quyền lực mềm” để khuyến dụ các nước châu Phi nghèo khó, đưa họ vào vòng ảnh hưởng của mình. Cụ thể, nhiệm vụ của AFRICOM là trợ giúp về ngoại giao, kinh tế và viện trợ nhân đạo cho châu Phi để ngăn ngừa các cuộc xung đột. Tuy nhiên, châu Phi tỏ ra cảnh giác với Washington, mà bằng chứng là không quốc gia nào cho phép AFRICOM đặt tổng hành dinh, khiến nó phải “ở đậu” tại trụ sở Bộ Tư lệnh châu Âu ở Stuttgart (Đức). Một lý do quan trọng khiến Mỹ ve vãn châu Phi vì đây là nguồn cung dầu chính yếu, giúp nước này giảm lệ thuộc vào khu vực Trung Đông đầy bất ổn.

THẾ GIỚI SẼ YÊN BÌNH HƠN DƯỚI THỜI BARACK OBAMA?

 Xe tăng Nga tiến vào Gruzia trong “cuộc chiến 5 ngày”. Ảnh: GETTY

Việc ông Barack Obama của đảng Dân chủ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 4-11 để trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã nhen lên hy vọng rằng thế giới sẽ trở nên hòa hoãn hơn, quan hệ giữa các cường quốc sẽ bớt căng thẳng hơn. Cơ sở của hy vọng đó là việc ông Obama tuyên bố sẵn sàng đối thoại trực tiếp và vô điều kiện với giới lãnh đạo Iran, quốc gia bị người tiền nhiệm George Bush xếp vào “trục ác” và không ít lần dọa tấn công phủ đầu để phá hủy các cơ sở hạt nhân của nước này. Đáp lại, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã chúc mừng ông Obama đắc cử và đây là lần đầu tiên kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Tehran có động thái như vậy đối với tân tổng thống Mỹ.

Sự kiện một chính khách có cha là người Kenya theo đạo Hồi lên làm tổng thống Mỹ cũng khiến người ta tin rằng quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo- Arập, vốn mang nhiều nghi kỵ do cuộc chiến chống khủng bố dưới thời ông Bush, ít nhiều sẽ được cải thiện. Ông Obama, 48 tuổi, có thể cũng sẽ nới lỏng cấm vận chống Cuba và một số quốc gia bị xem là thù địch khác.

Nhưng được quan tâm nhiều nhất vẫn là quan hệ giữa Mỹ với Nga dưới thời ông Obama sẽ như thế nào? Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ thay đổi hoàn toàn chính sách đối với Mát-xcơ-va của các “triều đại” trước đây. Tuy nhiên, người ta vẫn hy vọng ít ra là quan hệ giữa hai cường quốc này không xấu như dưới thời ông Bush, sẽ có sự “thay đổi” như khẩu hiệu tranh cử của ông Obama. Tổng thống Nga Medvedev trong cuộc điện đàm sau khi ông Obama đắc cử cũng bày tỏ thiện chí khi tuyên bố “Nga sẵn sàng cho mối quan hệ tốt đẹp hơn với ông Obama”.

* * *

Diễn biến tình hình thế giới thời gian qua cho thấy việc tranh giành quyền lực giữa các cường quốc chắc chắn sẽ tiếp diễn, và kết quả tất yếu là một thế giới đa cực sớm muộn gì cũng được hình thành. Nhưng xu thế chung của thời đại là đối thoại thay cho đối đầu, đàm phán thay cho dùng vũ lực. Do vậy, có cơ sở để tin rằng thế giới trong năm 2009 này cũng như những năm sắp tới sẽ ít có khả năng xảy ra chiến tranh, dù là “chiến tranh lạnh”. Loài người sẽ sống trong hòa bình, nhưng nói như các nhà phân tích chính trị thì đó là “hòa bình nóng”.

Thụy Trúc - Lê Dân

Chia sẻ bài viết