Hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số
Bên cạnh nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Tạo điều kiện để nông dân và các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nắm bắt, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, cách làm mới để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và hòa nhịp xu thế phát triển. Đồng thời, giúp nông dân tự tin ứng dụng các công nghệ số vào việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, quảng bá sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử.
Các HTX nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đang tích cực thực hiện CĐS. Trong ảnh: Sơ chế nhãn tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Sông Hậu ở huyện Cờ Đỏ.
Hiệu quả thiết thực từ CĐS
Gia đình anh Lê Quang Vinh ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ có hơn 10 công vườn trồng cam xoàn. Thời gian qua, nhờ thực hiện CĐS, áp dụng các công nghệ thông tin và nền tảng số vào việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mà trái cây tại vườn nhà anh được tiêu thụ khá dễ dàng và nhanh chóng khi bước vào mùa thu hoạch. Anh Vinh cho biết: “Nhờ nắm bắt xu thế mới trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng, thời gian qua sản phẩm cam xoàn của gia đình không chỉ được xây dựng thành sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao mà còn được đưa lên quảng bá trên nhiều nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Qua đó, giúp sản phẩm nhanh chóng đến tay người tiêu dùng và các đầu mối tiêu thụ. Kết quả có hơn 50% lượng cam xoàn của gia đình được tiêu thụ thông qua các hình thức bán hàng trực tuyến và gọi điện thoại đặt hàng từ xa. Sản phẩm rất dễ tiêu thụ, có thời điểm không đủ hàng để bán”.
Theo ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa ở huyện Phong Điền, HTX có 29 thành viên, trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 22,5ha. Thời gian qua, nông dân tại HTX đã được ngành chức năng tạo điều kiện tham dự nhiều chương trình hội nghị, hội thảo và hoạt động tập huấn về CĐS trong nông nghiệp. Đồng thời, cũng thường xuyên được cập nhật, cung cấp các thông tin và kiến thức về việc quảng bá và tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử và việc ứng dụng các phần mềm, các nền tảng công nghệ số để quản lý sản xuất. Nhờ vậy, nông dân tại HTX có thể tự tin ứng dụng nhiều tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất, giúp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho nông dân. Đáng chú ý, áp dụng hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn cây được điều khiển bằng điện thoại thông minh đã giúp nông dân tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí trong việc chăm sóc, tưới nước cho cây, đồng thời giúp sử dụng nước tưới tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sản xuất. HTX cũng đã đưa sản phẩm nhãn lên quảng bá và tiêu thụ trên các website và sàn thương mại điện tử, trong đó có trang thông tin điện tử của Cần Thơ: chonongsancantho.vn. Sản phẩm nhãn Ido của HTX đã được công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao từ năm 2023.
Tích cực hỗ trợ nông dân
Thực hiện CĐS trong nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Với sự quan tâm vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ, việc thực hiện CĐS trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã và được quan tâm đẩy mạnh. Ngành Nông nghiệp thành phố đã tích cực hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường phối hợp các viện, trường và đơn vị có liên quan để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các thiết bị, công nghệ mới cho người dân để sản xuất bền vững và mang lại giá trị cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành thành phố, địa phương và đơn vị có liên quan để tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp, lực lượng khuyến nông địa phương cùng nông dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan về các kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Hỗ trợ và hướng dẫn nông dân sử dụng các thiết bị công nghệ mới trong nông nghiệp như máy bay không người lái, ứng dụng hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo thông tin và định vị vùng trồng để xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Qua đó, đã cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử (QR-Code) cho hơn 220 chủ thể sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, với 480 sản phẩm, trong đó có 61 sản phẩm OCOP và 158 sản phẩm đã được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và 308 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Cần Thơ. Cần Thơ cũng đã cho ra đời trang thông tin điện tử (chonongsancantho.vn) phục vụ quảng bá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản hàng hóa. Hiện đã có 114 đơn vị, doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia quảng bá sản phẩm tại trang thông tin điện tử trên. Ngành Nông nghiệp Cần Thơ cũng đã xây dựng và lắp đặt các hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn tự động (IoT) phục vụ sản xuất trồng trọt và thiết lập hệ thống quan trắc môi trường phục vụ nuôi thủy sản. Hỗ trợ nông dân tiếp cận và ứng dụng các công cụ, nền tảng phục vụ CĐS như: nền tảng “Mạng nhà nông”, nền tảng (app) MobiAgri trên cây trồng, phần mềm Ricemo phục vụ quản lý sản xuất lúa... Đồng thời, phối hợp cùng Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT Cần Thơ, MobiFone Cần Thơ và nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác để tăng cường quảng bá, tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử. Thúc đẩy và tạo các điều kiện thuận lợi cho vận chuyển nông sản hàng hóa và phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp của Cần Thơ.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành đã quan tâm huy động các nguồn lực xã hội để thúc đẩy CĐS. Chú ý việc chuyển giao và triển khai các nền tảng ứng dụng miễn phí của các đơn vị, doanh nghiệp như MobiAgri để giúp người dân nắm bắt nhanh chóng và kịp thời các thông tin về dự báo thời tiết, giá cả thị trường... nhằm chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin và khuyến cáo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi theo từng thời điểm cụ thể trong năm thông qua các cổng thông tin điện tử và nền tảng số nhằm giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả tốt. Phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ các địa phương chuyển đổi từ điện thoại sử dụng mạng 2G lên 4G. Chú ý thúc đẩy quá trình số hóa, xây dựng hệ thống dữ liệu trong các lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong áp dụng, sử dụng các sàn thương mại điện tử và nền tảng công nghệ số để quảng bá sản phẩm”.
Hiện việc phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp còn gặp khó do nông dân chủ yếu tiêu thụ nông sản ở dạng tươi thô, trong khi các dịch vụ logictics còn yếu và chi phí vận chuyển hàng đến nơi tiêu thụ còn cao. Để giúp nông dân tháo gỡ “nút thắt” trên, ngành Nông nghiệp thành phố cũng đang tăng cường kết nối với các đơn vị vận tải làm dịch vụ logistics nhằm đưa ra các giải pháp và dịch vụ giúp nông dân có thể đưa hàng đến nơi tiêu thụ một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Chia sẻ bài viết |
- Cần Thơ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024
- TP Cần Thơ đồng hành cùng người có công với cách mạng trong chuyển đổi số
- Số hóa dữ liệu, nâng cao hiệu quả đăng ký và quản lý hộ tịch
- Hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số
- Bồi dưỡng, tập huấn cho tổ công nghệ số cộng đồng ở Cần Thơ
- Hơn 45.600 lượt người dân và thiếu nhi được hỗ trợ nâng cao năng lực số
- Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến