08/08/2019 - 08:47

Hỗ trợ nông dân sản xuất lúa giống 

Những năm gần đây, có nhiều nông dân và đơn vị, doanh nghiệp tại TP Cần Thơ quan tâm sản xuất lúa giống đáp ứng nhu cầu của thị trường lúa giống nhiều tiềm năng phát triển tại ĐBSCL. Cần Thơ cũng là nơi có có nhiều viện, trường như: Viện lúa ĐBSCL, Đại học Cần Thơ… tham gia nghiên cứu, sản xuất lúa giống và chuyển giao công nghệ sản xuất lúa giống cho nông dân và các doanh nghiệp có nhu cầu.

Hiệu quả

Ông Nguyễn Thanh Minh, ngụ ấp Thạnh Phước, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Đã tham gia sản xuất lúa giống được hơn 7 năm nay và được Hợp tác xã (HTX) giống nông nghiệp Thốt Nốt bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn lúa hàng hóa trên thị trường từ 500-1.000 đồng/kg. Nhìn chung, sản xuất lúa giống không khó so với làm "lúa thịt", nhưng lợi nhuận có thể tăng thêm từ 4-8 triệu đồng/ha/vụ. Do vậy, những năm qua tôi đã sản xuất lúa giống cả 3 vụ trong năm. Vụ thu đông 2019, tôi tiếp tục trồng 7ha lúa giống các loại theo đơn đặt hàng của đơn vị bao tiêu".

Cũng chính nhờ có nhiều hộ dân, tổ hợp tác và HTX ở TP Cần Thơ tham gia sản xuất giống đã góp phần tích cực vào việc bình ổn giá lúa giống và cung ứng kịp thời cho bà nông dân nguồn giống chất lượng để phục vụ sản xuất. Hiện lúa giống được sản xuất tại nhiều quận, huyện ở Cần Thơ không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn cung ứng cho nông dân tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc HTX giống nông nghiệp Thốt Nốt ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: "Sản phẩm lúa giống của HTX hiện có mặt tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nông dân tin tưởng về chất lượng. Bên cạnh 50ha canh tác lúa giống của 17 xã viên, HTX còn liên kết với khoảng 40-50 hộ dân bên ngoài để sản xuất khoảng 150ha lúa giống/năm, qua đó cung ứng ra thị trường gần 2.000 tấn lúa giống/năm. Do trực tiếp sản xuất kinh doanh lúa giống nên HTX có điều kiện thuận lợi để cung ứng cho nông dân nhiều sản phẩm lúa giống chất lượng, với giá thấp so với thị trường tại nhiều nơi, nhất là những nơi lúa giống phải qua nhiều "trung gian" mới đến tay nông dân".

Hỗ trợ nông dân

Thực tế cho thấy, việc mở rộng sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa giống tại nhiều hộ dân và tổ hợp tác, HTX sản xuất lúa giống ở Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn do giá cả đầu ra sản phẩm thường xuyên biến động theo thị trường và vướng vấn đề về "bản quyền" lúa giống. Theo ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc HTX giống nông nghiệp Thốt Nốt, muốn sản xuất một loại lúa giống nào đó và đóng thương hiệu của mình lên bao bì sản phẩm, các tổ hợp tác và HTX sản xuất lúa giống phải xem xét rất kỹ, cũng như phải làm rất nhiều hồ sơ và thủ tục. Nếu không dễ bị thua lỗ do tiêu thụ chậm hoặc bị cơ quan chức năng xử phạt vì làm lúa giống giả, vi phạm bản quyền. Nguyên nhân do hiện nhiều loại lúa giống hút hàng trên thị trường gần đây như: OM 5451, Đài Thơm 8... đều đã được doanh nghiệp mua bản quyền từ các viện, trường nghiên cứu giống, nông dân và các tổ hợp tác, HTX muốn sản xuất các loại giống này phải được doanh nghiệp sở hữu bản quyền đồng ý cho phép và phải đóng một khoản phí tác quyền nhất định.

Nông dân chọn mua lúa giống tại một Cơ sở kinh doanh lúa giống ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. 

Theo ông Tô Thành Mông, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thới Tân, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, HTX cũng đang gặp khó trong việc mở rộng quy mô sản xuất lúa giống do vướng phải vấn đề "bản quyền" và những vụ lúa gần đây giá lúa hàng hóa giảm, kéo theo giá giống cũng giảm và bán lúa giống khó thu hồi nợ. Hầu như các tổ hợp tác và HTX nông nghiệp đều không có khả năng để mua bản quyền đối với một loại giống lúa nào đó từ các viện và trường.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật-Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thành phố hiện có 124 cơ sở sản xuất và cung ứng lúa giống, với khả năng cung ứng hơn 52.700 tấn/năm. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã và đang tiếp tục phối hợp các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp có liên quan để triển khai các hoạt động nhằm giúp nông dân  phát triển sản xuất lúa giống, nhất là hỗ trợ nông dân tại các mô hình "cánh đồng lớn" thành lập tổ sản xuất lúa giống để tự cung cấp giống cho nông dân trong cánh đồng và có dư thì bán ra ngoài. Song song đó, Chi cục cũng có hỗ trợ về nguồn giống nguyên chủng để nông dân sản xuất giống cấp xác nhận và tiến hành các hoạt động tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng mô hình và quy trình sản xuất lúa giống, kiểm định chất lượng... để được cấp giấy chứng nhận. Lúa giống được sản xuất tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn cung ứng cho nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết