16/04/2020 - 09:28

Hiệu quả tín dụng chính sách ủy thác qua các Hội đoàn thể 

Với hệ thống tổ chức sâu rộng đến cơ sở, có chi, tổ hội hoạt động ở từng ấp, khu vực, Hội Nông dân (ND), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Hội Cựu chiến binh (CCB) và Đoàn Thanh niên là những đối tác tin cậy và hiệu quả, đã nhận ủy thác cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai nguồn vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, đảm bảo người vay sử dụng vốn đúng mục đích.

Ông Phạm Văn Út, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu vực Phú Hưng, phường Phú Thứ vay vốn NHCSXH trồng mít thái cho hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, 4 Hội đoàn thể trên đã nhận ủy thác 15/16 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai tại Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, có tổng dư nợ 2.601 tỉ đồng (chiếm 99,85% tổng dư nợ của Chi nhánh), với 92.227 hộ đang vay vốn. Hoạt động ủy thác được triển khai qua từng cấp, từ thành phố đến huyện, xã, ấp với 2.020 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) do các Hội đoàn thể này quản lý. Trong đó, Hội LHPN thành phố quản lý dư nợ cao nhất: 1.186 tỉ đồng, với 913 Tổ TK&VV đang hoạt động. Kế đến là Hội ND có 766 Tổ TK&VV hoạt động, dư nợ đạt 976 tỉ đồng. Hội CCB có dư nợ 261 tỉ đồng, là hội đoàn thể có chất lượng ủy thác tốt nhất với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,1% trên tổng dư nợ; 139 Tổ TK&VV của Đoàn Thanh niên đang quản lý dư nợ 178 tỉ đồng.

Tổ TK&VV do ông Phạm Văn Út, Chi hội trưởng Chi hội CCB khu vực Phú Hưng, phường Phú Thứ quản lý, là một trong các tổ luôn đạt loại tốt của Hội CCB quận Cái Răng. Tổ hiện có 44 thành viên với tổng dư nợ 1,6 tỉ đồng. Các chương trình có số dư nợ cao nhất của tổ là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo. Đa số các hộ vay vốn để cải tạo vườn. Ông Út cho biết: “Hồi mới nhận quản lý Tổ TK&VV 5 năm trước, tổ có 1 trường hợp vướng nợ quá hạn nhiều năm do thành viên vay vốn qua đời. Nhờ sự phối hợp vận động thường xuyên của Hội CCB, UBND phường và cán bộ NHCSXH, con của người vay đứng ra trả nợ. Sau đó, anh này tiếp tục được hỗ trợ vay vốn, làm ăn hiệu quả, anh đóng lãi, gửi tiết kiệm và trả nợ vay đúng hạn. Từ đó đến nay, Tổ không có nợ xấu”. Để duy trì chất lượng tín dụng thật tốt, ông Út thường xuyên động viên, nhắc nhở các thành viên trong Tổ khi sắp đến kỳ hạn đóng lãi, gửi tiết kiệm hoặc chuẩn bị đến hạn tất toán nợ vay. Ông Út cũng là thành viên vay vốn và luôn thực hiện rất tốt các nghĩa vụ của hộ vay. Ông Út cho biết: “Tôi được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư cải tạo vườn. Tôi trồng xen 1.000 gốc mít Thái vào vườn măng cụt và chanh không hạt. Đến nay, có 300 gốc mít đã cho trái. Với giá bán 25.000 đồng-27.000 đồng/kg, mít đang cho lợi nhuận rất tốt. Nhờ đó, tôi trả vốn được 30 triệu đồng, đến năm 2021, tôi sẽ tất toán nợ vay với NHCSXH”.

Các cấp Hội, đoàn thể nhận ủy thác thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp tuyên truyền về tín dụng chính sách; tham gia bình xét hộ vay, triển khai kịp thời các nguồn vốn và quản lý sổ sách đúng quy định; phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, củng cố, kiện toàn nhân lực và kiện toàn hoạt động của Tổ TK&VV. Các Hội đoàn thể các cấp còn phối hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến ngư,… hướng dẫn giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả và thực hiện lồng ghép các chương trình dự án tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững...

Ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, cho biết, nhờ sự phối hợp của các Hội đoàn thể nhận ủy thác, trong giai đoạn 2015-2019, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 8.500 học sinh, sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; 19.600 lao động được tạo việc làm; 14 lao động được đi làm việc ở nước ngoài; 67.000 hộ vay vốn để xây mới hoặc sửa chữa trên 100.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng 339 nhà ở cho hộ nghèo và 215 khách hàng được vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, hỗ trợ 2.264 hộ kinh doanh trên chợ nổi Cái Răng và làm du lịch sinh thái vay 110 tỉ đồng... Từ nguồn vốn ủy thác của NHCSXH, các cấp Hội đoàn thể còn phối hợp xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, làm kinh tế hiệu quả, giúp trên 45.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Tuy nhiên, về chất lượng tín dụng ủy thác qua các Hội đoàn thể còn chưa đồng đều giữa các đơn vị, còn nhiều Hội đoàn thể cấp xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên 0,5%, 43 Tổ TK&VV có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%, 35 tổ xếp loại trung bình và 4 tổ xếp loại yếu cần tiếp tục củng cố và nâng chất hoạt động trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết