29/10/2010 - 22:06

Hiệp ước Lisbon trước “thay đổi đột phá” của EU

Ngày 28-10, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ kêu gọi của Đức và Pháp về việc điều chỉnh một số điểm có giới hạn trong Hiệp ước Lisbon (được xem như hiến chương của khối), nhằm tăng cường khả năng đối phó của khu vực trước bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính mới nào. Đây được coi là “sự thay đổi đột phá” trong cách thức quản lý kinh tế của EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy trả lời báo chí sau phiên họp đầu tiên ở Brussels ngày 28-10. Ảnh: AP 

Tại hội nghị thượng đỉnh 2 ngày diễn ra ở Brussels (Bỉ), ban đầu đề nghị của Pháp và Đức về việc điều chỉnh hiệp ước nhằm tạo ra cơ chế lâu dài kiểm soát khủng hoảng nợ, tăng cường sự ổn định tài chính và hỗ trợ đồng euro vấp phải sự phản đối quyết liệt. Hầu hết các nhà lãnh đạo EU phản đối những thay đổi lớn trong hiến chương, vốn mất 8 năm đàm phán và chỉ mới “đi vào cuộc sống” 10 tháng qua. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU sau đó đã chấp nhận rằng những thay đổi trong hiệp ước là cần thiết để thành lập một hệ thống cố định kiểm soát vấn đề nợ quốc gia và xác lập các quy định ngân sách nghiêm ngặt hơn, thậm chí trừng phạt các nước không giữ được mức thâm hụt ngân sách và nợ công trong giới hạn cho phép.

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, cho rằng hệ thống cố định này sẽ thay thế hệ thống an toàn đặc biệt 440 tỉ euro được thành lập hồi tháng 5, nhằm cho tất cả các nước khu vực đồng euro vay. Berlin cũng cho biết hệ thống mới này sẽ được cấp tiền bởi lĩnh vực tư nhân có kèm theo các điều kiện nghiêm ngặt. Theo các nhà phân tích, là nước đóng góp lớn nhất cho quỹ an toàn của EU, Đức muốn ngăn chặn nợ quốc gia bằng cách chuyển giao các gói giải cứu tương lai cho các cổ đông trái phiếu. Mặt khác, Thủ tướng Đức Angela Merkel cần sự ủng hộ của EU về việc thay đổi hiệp ước, nhằm tránh sự chỉ trích trong nước về cách điều hành của bà trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Vì vậy, Berlin đã dọa sẽ ngăn cản cải cách ngân sách EU (tăng thêm 6,2%) nếu không đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, Berlin không nhận được sự ủng hộ về đề xuất đình chỉ quyền biểu quyết của các nước thành viên vi phạm các quy định của EU về ngân sách. Các nước khác cho rằng vấn đề này là không thể chấp nhận được, bởi vì nó đòi hỏi phải có sự thay đổi hiệp ước triệt để hơn và sẽ được xem xét chỉ sau khi các giải pháp khác được bàn đến.

Hơn nữa, việc thành lập quỹ giải cứu cố định không phải là vấn đề dễ dàng. Nhiều vấn đề được đặt ra là quỹ được cơ cấu như thế nào, quyết định sẽ được thực hiện ra sao, liệu nó sẽ phối hợp hoặc hoạt động như thế nào với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và quan trọng hơn là liệu các cổ đông trái phiếu tư nhân có chấp nhận thua lỗ, nếu một quốc gia nào đó không trả được nợ.

Bên cạnh sự phức tạp đó là những trở ngại “hậu cần” liên quan tới thay đổi hiệp ước. Cần biết rằng điều chỉnh hiệp ước có thể dẫn tới một cuộc trưng cầu dân ý ở Ireland, một kết cuộc mà không nhà lãnh đạo EU nào mong muốn. Dù cho điều này không xảy ra, việc thay đổi hiệp ước vẫn đòi hỏi quá trình thông qua của 27 nước thành viên. Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho rằng vấn đề “cực kỳ khó và nhạy cảm”.

Mọi việc hiện nay “đổ” lên vai Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy. Ông được trao nhiệm vụ tập hợp ý kiến về cách thức quỹ cố định có thể được thành lập như thế nào và báo cáo lại cho các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh tháng 12 tới.

N. MINH (Theo Reuters, Bloomberg, Guardian)

Chia sẻ bài viết