04/09/2009 - 21:26

Hiểm họa mới với tầng ozone

Mỗi phân tử N2O tồn tại trong bầu khí quyển
tới 100 năm.
Ảnh: Csmonitor

Nitrous oxide (N2O), chất khí không màu, có mùi thơm bấy lâu được các bác sĩ dùng làm thuốc tê trong phẫu thuật và nha khoa đang được coi là “thủ phạm” hàng đầu đe dọa phá hủy tầng ozone - lớp màng trong tầng khí quyển có chức năng bảo vệ Trái đất khỏi ảnh hưởng của bức xạ Mặt trời.

Từ lâu, các nhà khoa học đã biết N2O cũng là loại khí gây hiệu ứng nhà kính, tiếp tay những loại khí khác phá hủy tầng ozone. Nhưng thay vì bị đưa vào nhóm khí cần được hạn chế phát thải theo Nghị định thư Montreal 1987, N2O lại không nhận được sự quan tâm đầy đủ, thậm chí nó còn được cho là loại khí có lợi.

Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ mới đây khẳng định: tác hại của N2O đối với tầng ozone không thua gì nếu không muốn nói là nguy hiểm hơn khí chlorofluorcarbon (CFC) và các loại khí hủy hoại tầng ozone được nêu trong các nghị định thư bảo vệ môi trường. Do đó, các chuyên gia cho rằng việc con người hạn chế phát thải khí N2O sẽ góp phần giải nguy cho tầng ozone cũng như giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cũng giống như carbon dioxide (CO2), N2O phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là từ phân hóa học, quá trình xử lý chất thải, đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu diezel, ga, than đá...) và nhiên liệu sinh học.

THANH TRÚC
(Theo Csmonitor, AFP)

Chia sẻ bài viết