 |
Hệ thống phòng thủ tên lửa Buk-M2. Ảnh: AP |
Tờ Guardian của Anh hôm qua nhận định việc Nga bố trí các chuyên gia, cố vấn quân sự tiếp tục làm việc tại Syrie để giúp nước này triển khai và nâng cấp các hệ thống tên lửa đất đối không mà Mát-xcơ-va đã cung cấp cho Damas trước khi nổ ra cuộc nội chiến có thể khiến tình hình càng phức tạp nếu Mỹ có hành động can thiệp quân sự vào Syrie trong thời gian tới.
Cùng với những lời cáo buộc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Mỹ, Anh, Pháp thời gian gần đây đồng loạt lên tiếng cảnh báo rằng Syrie sẽ gánh hậu quả nếu sử dụng vũ khí hóa học nhằm chống lại lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, bất kỳ sự trừng phạt quân sự nào nhằm vào nước này cũng sẽ trở thành vấn đề gai góc đối với Mỹ và các nước đồng minh.
Trước tiên, các cuộc không kích nếu trúng vào kho vũ khí hóa học của Syrie có khả năng phát tán những loại khí độc hại chết người trên một khu vực rộng lớn và gây ra một thảm họa nhân đạo. Không chỉ vậy, khả năng phòng thủ của Syrie có thể biến cuộc can thiệp do Mỹ dẫn đầu trở thành thảm họa.
Phát biểu trên đài truyền thanh, Thiếu tướng Nga Alexander Leonov cho rằng việc hóa giải hệ thống phòng không của Syrie, bao gồm 2 sư đoàn với khoảng 50.000 quân trang bị hàng ngàn súng chống máy bay và hơn 130 khẩu đội tên lửa phòng không, "không phải chuyện đùa". Hơn nữa, Nga đã chuyển tên lửa phòng không Buk-M2 và tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Pantsyr-S1 cùng các hệ thống radar cho Syrie. Ngoài ra, các báo cáo về lô hàng tên lửa tầm xa hiện đại S-300 vẫn chưa được xác nhận và rất có thể chúng đã được chuyển giao nhưng chưa được đưa vào sử dụng. Một nguồn tin thân cận với mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa Mát-xcơ-va và chính quyền Damas cũng lên tiếng xác nhận sự hiện diện của lực lượng phòng không Nga bên trong Syrie để hỗ trợ việc triển khai các thiết bị quân sự trên.
Theo đó, bất kỳ chiến dịch can thiệp trực tiếp nào từ phương Tây có thể sẽ gây thương vong cho quân đội Nga, dẫn đến những hậu quả khôn lường về mặt địa chính trị. Ngoài ra, các hoạt động điển hình như việc hỗ trợ thiết lập khu vực cấm bay hoặc tiến hành các cuộc không kích được dự đoán sẽ phải cần tới sự hỗ trợ khí tài quân sự tiên tiến chủ yếu của Mỹ như máy bay tàng hình, hàng ngàn tên lửa dẫn đường cùng một lượng lớn các thiết bị vệ tinh hiện đại phục vụ cho việc truyền tải hình ảnh và do thám trên không. Điều này sẽ khiến cuộc chiến trở nên rất nguy hiểm và tốn kém trong thời gian dài "ở mức độ nhiều hơn so với cuộc chiến ở Libye" và Washington cũng không thể "lãnh đạo từ phía sau" như đã từng lật đổ chế độ Muammar Gadhafi ở Lybie.
VI VI (Theo Guardian)