14/08/2024 - 17:54

Hết trẹo chân, đi đứng loạng choạng sau thay khớp gối 

(CTO) - Bệnh nhân V.T.T.H, 68 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang có thể tập đi lại nhẹ nhàng vào ngày thứ 5 sau mổ thay khớp gối nhân tạo tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Bà H không còn loạng choạng, trẹo chân như trước. Bệnh nhân vừa được xuất viện, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Bác sĩ đọc kết quả chẩn đoán hình ảnh khớp gối của người bệnh. Ảnh: BV cung cấp.

Bà H bị đau gối phải, mức độ đau tăng dần khi đi đứng, đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị. Các bác sĩ BV chẩn đoán bà H bị thoái hoá khớp gối phải độ 4, chỉ định nhập viện phẫu thuật thay khớp gối phải toàn phần. Ê-kíp thực hiện ca mổ thành công sau khoảng 2 giờ, sau đó bệnh nhân được chăm sóc và hướng dẫn tập vật lý trị liệu. 

Trước khi xuất viện, bà H chia sẻ, một năm trước từng phẫu thuật thay khớp gối trái, có hiệu quả tốt, cải thiện việc đi lại, vận động. Vì thế lần này khi bị đau khớp gối phải, bà đã quay lại BV để tiếp tục phẫu thuật với hy vọng khớp gối phải sẽ hồi phục tốt như khớp gối bên trái.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện.

ThS.BS Lê Dũng, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh - Cơ xương khớp, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, cũng là phẫu thuật viên chính thực hiện ca mổ cho bệnh nhân H cho biết, khớp gối là một trong những khớp vận động nhiều nhất nên rất dễ bị tổn thương và thoái hóa. Bệnh ở giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh thường chậm trễ điều trị. Đến khi bệnh tiến triển nặng, khớp biến dạng, đi lại khó khăn. Với những trường hợp thoái hoá khớp gối nặng, người bệnh cần phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo để khôi phục chức năng vận động.

BS Dũng cho biết thêm, khớp gối nhân tạo dùng để điều trị cho người bệnh có cấu tạo gần giống với khớp gối tự nhiên của con người, có thể gấp duỗi và xoay dễ dàng, giúp người bệnh cải thiện chức năng lâm sàng, cải thiện sức mạnh cơ tứ đầu đùi, tăng tuổi thọ khớp, giảm nguy cơ trật khớp gối. Người bệnh có thể gập gối hoặc quỳ gối sau phẫu thuật.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết