14/07/2024 - 08:37

Hệ thống quyền lực ở Iran 

Ở Iran, Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp, được bầu 4 năm/lần. Tổng thống kiểm soát hoạt động của chính phủ và có thể tác động đến nền kinh tế và chính sách quốc gia.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đi bỏ phiếu bầu tổng thống hôm 5-7. Ảnh: Tehrantimes

Cũng có nhiệm kỳ tương tự, Quốc hội Iran là cơ quan lập pháp đơn viện, có trách nhiệm soạn thảo luật, phê chuẩn các điều ước quốc tế và phê duyệt ngân sách hàng năm cũng như một số vấn đề khác của đất nước.

Trong khi đó, theo Hiến pháp, Lãnh tụ tối cao có nhiệm kỳ trọn đời, là người có quyền lực tối thượng, có quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đối với 3 nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Lãnh tụ tối cao là người có trách nhiệm giám sát các chính sách chung của Cộng hòa Hồi giáo Iran, hoạch định toàn bộ các chính sách đối nội và đối ngoại của nước này. Là nguyên thủ quốc gia, Lãnh tụ tối cao đồng thời là tổng tư lệnh của các lực lượng vũ trang, chỉ huy cao nhất của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), kiểm soát toàn bộ hoạt động tình báo và an ninh quốc gia, có quyền phát động chiến tranh hoặc ngừng chiến. Lãnh tụ tối cao cũng có thẩm quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm lãnh đạo của các cơ quan tư pháp, mạng lưới phát thanh và truyền hình nhà nước.

Lãnh tụ tối cao là chức vụ có từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Lãnh tụ tối cao hiện tại của Iran là Đại giáo chủ Ali Khamenei. Ông Khamenei lên nắm giữ chiếc ghế có nhiều quyền lực này vào năm 1989, sau cái chết của Lãnh tụ tối cao Ruhollah Khomeini - nhà lãnh đạo cách mạng và cũng là nhà lập quốc của nhà nước Iran hiện đại.

Để điều hành bộ máy quyền lực của đất nước Hồi giáo dòng Shiite hơn 89 triệu dân, Lãnh tụ tối cao có quyền bổ nhiệm Hội đồng Giám hộ gồm 12 thành viên, vốn là những giáo sĩ và luật gia. Hội đồng này có quyền xem xét, lựa chọn các ứng cử viên chạy đua vào Quốc hội, Tổng thống và Hội đồng Chuyên gia.

Hội đồng Chuyên gia cũng được cử tri Iran bầu chọn với nhiệm kỳ kéo dài 8 năm. Đáng chú ý, nếu như ông Khamenei được coi là người gần như có khả năng sử dụng quyền lực vô hạn mà không cần phải chịu trách nhiệm, thì Hội đồng Chuyên gia gồm 88 thành viên này chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của Lãnh tụ tối cao và có quyền bổ nhiệm cũng như bãi nhiệm nhà lãnh đạo siêu quyền lực này.

Vấn đề gay góc hiện nay là ông Ali Khamenei đã 85 tuổi và người thay thế khả dĩ là Ebrahim Ráii, vị tổng thống đã qua đời trong tai nạn máy bay hồi tháng 5. Theo luật Hồi giáo hiện hành tại Iran, chỉ có nam giới được giữ ghế Lãnh tụ tối cao và vị trí này phải được trao cho một nhà thần học Shiite cấp cao. Dù là nhân vật còn gây tranh cãi, báo giới phương Tây cho rằng hiện không có một nhân vật nào ở Iran có đủ tầm vóc như ông Khamenei.

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết