25/12/2024 - 09:06

Hệ sinh thái số - Chìa khóa cho phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL 

Trong khuôn khổ Techfest Cantho 2024, chiều 24-12, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Phát triển Hệ sinh thái số về nguồn tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ÐMST) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ”. Hội thảo tập trung thảo luận về vai trò của hệ sinh thái số trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp kết nối nguồn lực, bảo đảm bản quyền và phát triển thư viện thông minh… Ðây được xem là những tiền đề quan trọng cho việc phát triển hệ sinh thái số của TP Cần Thơ nói riêng và vùng ÐBSCL nói chung, hướng đến xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, thời gian qua, cùng với sự đồng hành của các tổ chức thông tin, thư viện trong cả nước, trong đó có vai trò đóng góp của TP Cần Thơ, các địa phương trong khu vực ÐBSCL, công tác phát triển nguồn tin KH&CN nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như hợp tác xây dựng và phát triển các bộ sưu tập số về tài liệu, dữ liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo và đổi mới sáng tạo; bổ sung nhiều nguồn tin điện tử của nước ngoài có nhu cầu sử dụng cao và có tầm ảnh hưởng lớn tới hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo đảm thông tin cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và giáo dục đào tạo trong xu thế chuyển đổi số của quốc gia nói chung hướng đến: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Ðộng lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Tại hội thảo các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia và doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm kết nối các nguồn lực phát triển hệ sinh thái số về nguồn tin KHCN&ÐMST tại TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL; thúc đẩy sự hợp tác liên kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái số. Chia sẻ về vấn đề thực thi quyền tác giả đối với tài liệu trên môi trường số, ông Ngô Kim Hoàng Nguyên, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Ðại học Luật TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Việc khai thác các tài nguyên số tại Việt Nam phải được thực hiện trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Hiện nay, có hai nguồn học liệu số phổ biến mà thư viện các trường đại học đang khai thác. Trong đó, nguồn nội sinh là các tài liệu học thuật, nghiên cứu của chính giảng viên và sinh viên trong trường. Những tài liệu này sẽ được số hóa và đưa vào kho dữ liệu số của thư viện. Các trường đại học cần có quy định cụ thể về sao chép, số hóa và khai thác các nguồn tài liệu này phục vụ cho bạn đọc, các đối tượng nghiên cứu. Ðối với nguồn ngoại sinh, bao gồm các tài liệu mua bản quyền từ các cơ sở dữ liệu bên ngoài đều có sự thỏa thuận cấp phép sử dụng bản quyền rõ ràng với mức chi phí hợp lý. Với các tài liệu số hóa, thư viện phải tuân thủ đúng các quy định về quyền tác giả khi sử dụng các tài liệu này trong cơ sở dữ liệu.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia phát biểu tại hội thảo.

Theo bà Ðoàn Diễm Trang, đại diện Công ty CP Giải pháp thiết bị Sao Mai, chuyển đổi số trở thành một động lực lớn nhất tạo ra sự phát triển đột phá trong hoạt động của thư viện. Việc ứng dụng công nghệ vào thư viện sẽ góp phần tăng cường hiệu quả quản lý thư viện; ứng dụng các phần mềm quản lý thư viện hiện đại giúp tự động hóa quy trình nghiệp vụ thư viện; cung cấp các dịch vụ mới như đào tạo kỹ năng sử dụng thông tin, tổ chức các sự kiện trực tuyến, tăng cường sự tương tác với cộng đồng, kết nối với độc giả, tạo ra không gian giao lưu, chia sẻ thông tin... Ðể chuyển đổi số thư viện thành công cần bổ sung, thay thế các hệ thống cũ, nhường chỗ cho những giải pháp công nghệ mới.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, trong thời gian tới, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với TP Cần Thơ, các địa phương trong khu vực ÐBSCL và cả nước tiếp tục bổ sung, phát triển các nguồn tin KH&CN trong nước và quốc tế, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của các tổ chức và cá nhân hoạt động KHCN&ÐMST, đào tạo và sản xuất kinh doanh. Ðặc biệt chú trọng đến các nguồn tin đặc thù, trọng yếu của các địa phương. Tiếp tục bổ sung các cơ sở dữ liệu quốc tế quan trọng, đồng thời khai thác tích hợp nguồn tin nội sinh nhằm tạo nên một hệ sinh thái thông tin số toàn diện. Với những cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý đã được thiết lập, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia tin rằng hoạt động phát triển hệ sinh thái số về nguồn tin KHCN&ÐMST sẽ có những bước tiến mới, góp phần đồng hành cùng sự phát triển KHCN&ÐMST của đất nước.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết