01/04/2017 - 14:11

Hậu quả của hàng tiêu dùng giá rẻ

Nghiên cứu gần đây của Đại học Đông Anglia (Anh) cho thấy, nhu cầu hàng tiêu dùng giá rẻ ngày càng cao ở phương Tây đang gián tiếp góp phần gia tăng tình trạng ô nhiễm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tại các nước trực tiếp làm ra sản phẩm.

Tác động của thương mại quốc tế đối với lượng khí phát thải và chất lượng không khí từng được điều tra theo khu vực, nhưng nghiên cứu này lần đầu tiên trình bày kết quả đánh giá tổng hợp toàn cầu về tác động của các yếu tố trên đối với sức khỏe. Đăng trên tạp chí Nature, nghiên cứu cho thấy thế giới năm 2007 có khoảng 3,5 triệu người tử vong sớm do ô nhiễm không khí liên quan đến sản xuất và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ tại 228 nước. Gần 22% trong số này chịu ảnh hưởng từ mô hình sản xuất hàng hóa ở một nước và tiêu thụ ở nước khác. Đáng báo động là ở châu Á, đặc biệt Trung Quốc vốn được coi là "công xưởng của thế giới". Theo đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa gia tăng ở Tây Âu và Mỹ có liên quan đến hơn 108.600 ca tử vong sớm chỉ trong một năm ở Trung Quốc. "Chúng ta có thể hưởng lợi từ giá rẻ nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác. Không có bữa ăn nào là miễn phí cả" - đồng tác giả nghiên cứu Michael Brauer thuộc Đại học British Columbia (Canada) chia sẻ quan điểm.

Khí thải từ các nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Theo Guardian, phân tích này cũng là mảnh ghép đầu tiên trong bức tranh về mức độ nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ và Tây Âu góp phần vào ô nhiễm môi trường ở các nước đang phát triển với những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Không chỉ ảnh hưởng tại chỗ, nghiên cứu cho thấy khí thải từ các điểm nóng công nghiệp như Trung Quốc cũng tác động đến sức khỏe của người dân các nước láng giềng, thậm chí những vùng xa hơn (như Mỹ, Tây Âu) khi chất ô nhiễm di chuyển theo luồng không khí toàn cầu. Ước tính, có khoảng 12% ca tử vong sớm trên toàn cầu, tương đương hơn 411.000 trường hợp, liên quan đến không khí ô nhiễm từ nơi khác.

Trong đó, các nhà khoa học tính rằng số người chết trên toàn thế giới vì ô nhiễm không khí do hạt bụi mịn PM2.5 phát sinh từ các ngành sản xuất ở Trung Quốc lớn hơn 2 lần so với khí phát thải của bất kỳ khu vực nào khác. Cụ thể, khí phát thải từ Trung Quốc liên quan gần 65.000 trường hợp tử vong sớm ở các vùng khác, trong đó có hơn 3.000 người ở Tây Âu và Mỹ, theo Daily Mail.

Theo đồng tác giả nghiên cứu Steven Davis thuộc Đại học California, Irvine (Mỹ), báo cáo này không bàn luận sâu vấn đề công bằng giữa người dân trong sản xuất và tiêu thụ. Thay vào đó, mục tiêu của báo cáo là đưa ra bằng chứng để giới chức có chính sách vì lợi ích của người dân. Theo phân tích của tạp chí Nature, cải thiện công nghệ kiểm soát ô nhiễm ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nơi khác ở châu Á sẽ đem lại lợi ích sức khỏe đáng kể trong khu vực và trên toàn thế giới. Song song đó, các nhà khoa học cũng kêu gọi người tiêu dùng thay đổi thói quen lãng phí và chuyển từ hàng hóa giá rẻ sang các mặt hàng bền vững hơn.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết