09/09/2009 - 21:29

Hạt bông vải có thể ăn được!

Trồng thử nghiệm bông vải biến đổi gien
tại Texas.
Ảnh: Cotton.Inc

Hơn 7.000 năm qua, cây bông vải được trồng chủ yếu để lấy sợi, chiếm khoảng 40% nguyên liệu dùng may quần áo cho toàn thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết rằng hạt bông vải lại là nguồn cung cấp chất đạm rất phong phú, có tiềm năng trở thành lương thực nuôi sống con người.

Hiện nay, thế giới có hơn 20 triệu nông dân đang canh tác cây bông vải ở 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với sản lượng ước đạt khoảng 24,55 triệu tấn (niên vụ 2008-2009), loại cây trồng này mỗi năm có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực hằng ngày cho khoảng 500 triệu người.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết hạt bông vải chỉ ăn được sau khi loại bỏ gossypol, hóa chất độc hại giúp cây xua đuổi côn trùng và vi khuẩn gây hại. Theo Kater Hake, phó phòng nghiên cứu nông nghiệp của tập đoàn công nghiệp Cotton (Mỹ), ngoại trừ động vật nhai lại (như trâu, bò...), không loài vật nào có thể tiêu hóa được gossypol. Nhưng một khi loại bỏ được nó, con người sẽ có thêm nguồn cung cấp thực phẩm phong phú, rẻ tiền và giàu dưỡng chất. Trái lại, nếu tách bỏ gossypol, như cách nông dân từng thử nghiệm hồi thập niên 1950, cây bông vải sẽ dễ bị côn trùng tàn phá.

Để khắc chế nhược điểm nói trên, giáo sư Enter Keerti Rathore ở Đại học Texas tiến hành thử nghiệm phương pháp biến đổi gien cho cây bông vải. Nhóm của ông chứng minh họ có thể loại bỏ gien kích thích cây sản sinh gossypol bên trong hạt bông trong khi phần còn lại của cây vẫn đủ khả năng phòng vệ tự nhiên. “Nghiên cứu này giúp chúng ta mạnh dạn tận dụng hơn 40 triệu tấn hạt bông thu hoạch hằng năm làm thực phẩm”, theo Norman Borlaug, chuyên gia nông học Mỹ từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1970 vì thành tựu phát triển giống lúa mì cao sản giúp gia tăng nguồn cung thực phẩm cho thế giới.

Ứng dụng kỹ thuật can thiệp ARN, Rathore và cộng sự tạo ra được chuỗi gien có khả năng ức chế enzyme sản sinh gossypol trong hạt bông vải. Sau khi thực hiện thành công trong phòng thí nghiệm, ông bắt đầu thử nghiệm trong nhà kính để xem cây bông vải biến đổi gien có thể sống sót hay không. Kết quả cho thấy cây vẫn sống tốt đồng thời cho ra hạt bông có thể ăn liền. Rathore tin rằng khi được trồng trên cánh đồng, cây bông vải cũng sẽ cho kết quả tương tự. “Hương vị của nó giống như đậu lăng”, giáo sư Rathore nhận xét sau khi thưởng thức món hạt bông vải vừa rang chín.

Theo các chuyên gia, trước khi hạt bông vải biến đổi gien chính thức trở thành sản phẩm lương thực phổ biến trên thị trường, chúng cần được kiểm chứng độ an toàn cũng như chế biến thành thức ăn cho cá hoặc động vật.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Time)

Chia sẻ bài viết