22/09/2010 - 21:02

Tiêu thụ lúa hàng hóa thông suốt

Hàng xáo và doanh nghiệp cần sự đồng thuận

Hàng xáo là lực lượng chính và không thể tách rời trong tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL.

Theo ước tính khoảng 90% sản lượng lúa gạo hàng hóa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tiêu thụ thông qua hàng xáo. Mối liên kết hàng xáo và doanh nghiệp (DN) lương thực tuy mới được thực hiện thí điểm tại ĐBSCL trong 6 tháng qua, song trên thực tế, việc triển khai mối liên kết này lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế đặc thù cho loại hình kinh doanh này, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất và tiêu thụ lúa gạo được thông suốt…

* Hiệu quả ban đầu...

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: “Nhiều nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới vẫn sử dụng lực lượng hàng xáo để thu mua lúa trong dân và cung cấp cho DN chế biến. Tại Thái Lan, có đến 80% sản lượng nông sản tiêu thụ thông qua hàng xáo. Từ nay đến năm 2020 và 2030, quá trình tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra mạnh mẽ với quy mô lớn hơn ở nước ta. Bên cạnh, sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn là quy mô nông hộ với khoảng 1 triệu hộ trồng lúa. Do đó, hệ thống hàng xáo vẫn tiếp tục đóng vai trò tích cực trong chuỗi lưu thông phân phối lúa gạo”. Trên thực tế, nếu các DN kinh doanh lúa gạo tổ chức thu mua lúa trực tiếp của nông dân phải có một bộ máy quản lý và vận hành rất lớn nên tốn nhiều chi phí, làm tăng giá thành hạt gạo. Trong khi, lực lượng hàng xáo hàng chục năm qua đã làm tốt vai trò này với nhiều kinh nghiệm trong việc thu mua, am hiểu địa bàn. Đây là hoạt động cá thể, lấy công làm lời, do đó tổ chức gọn nhẹ nhưng hiệu quả cao.

Theo ông Nguyễn Văn Ngoan- 25 năm làm hàng xáo ở thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), hàng xáo có kinh nghiệm lâu năm chỉ cần cắn hạt lúa là biết chất lượng lúa cỡ nào và định giá mua ngay chứ không cần phải kiểm tra, đo đạc. Phần lớn hàng xáo là những người lâu năm trong nghề, đường đi nước bước nằm trong lòng bàn tay nên tổ chức thu mua nhanh gọn, giá cả thỏa thuận hợp lý với nông dân. Còn DN khó có thể tổ chức thu mua hiệu quả như hàng xáo. Hơn nữa, quy mô sản xuất tại ĐBSCL nhỏ lẻ cần hệ thống thu mua cơ động như lực lượng hàng xáo. Điều này phù hợp với thói quen bán lúa tươi, sản xuất ở vùng sâu vùng xa của nông dân trồng lúa.

GS-TS. Võ Tòng Xuân cho rằng, không thể tách hàng xáo ra khỏi chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo mà phải nhìn họ theo hướng tích cực hơn. Có chăng là nên tổ chức lại lực lượng này cho phù hợp. Suốt thời gian qua, hàng xáo vẫn là lực lượng thu mua tự do, ít bị ràng buộc với nông dân và với DN. Mạnh ai nấy làm dẫn đến tình trạng tranh mua- tranh bán khi thị trường biến động theo chiều hướng sốt hàng, xuất khẩu gặp thuận lợi. Ngược lại, khi nguồn nguyên liệu thừa thải thì nông dân chịu thiệt, lúa tồn đọng không tiêu thụ được.

Gắn kết các thành phần trong chuỗi giá trị lúa gạo đã được xác định từ lâu nhưng gần đây mới được quan tâm thực hiện thông qua sự liên kết hàng xáo và DN trong thu mua lúa gạo của nông dân ở ĐBSCL theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo báo cáo mới nhất của VFA, từ tháng 3 đến tháng 9-2010, đã có 15 DN kinh doanh lương thực ký liên kết tiêu thụ lúa gạo với trên 1.400 hàng xáo và 87 nhà máy xay xát tại Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, TP Cần Thơ... Trong đó, Công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (Afiex) đã thành lập được Câu lạc bộ hàng xáo Afiex, các thành viên hoạt động theo điều lệ. DN này đã liên kết được với 72 nhà máy xay xát và 437 hàng xáo trong năm 2009-2010, tiêu thụ gần 40.000 tấn gạo. Ngoài ra, nhiều DN kinh doanh lương thực ở ĐBSCL đã tập hợp hàng xáo để phổ biến chủ trương liên kết và thiết lập mạng lưới vệ tinh thu mua lúa gạo gắn với hệ thống trạm thu mua của DN.

* Cần sự đồng thuận

Liên kết giữa hàng xáo và DN thời gian qua đã khẳng định được hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, mối liên kết này còn rất lỏng lẻo và chưa có giá trị pháp lý, chế tài trong việc thực hiện các hợp đồng. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, chia sẻ: “Tính pháp lý của biên bản thỏa thuận không chặt chẽ bằng hợp đồng kinh tế, nên chưa ràng buộc được hai bên. Mặc dù đã ký hợp đồng cung cấp và tiêu thụ gạo với giá cụ thể nhưng khi giá gạo tăng, một số hàng xáo cố tình trì trệ thời gian giao hàng, thậm chí “bẻ” hợp đồng. Vấn đề này không được giải quyết bằng pháp lý nên khó ngăn chặn được. Nếu có hợp đồng kinh tế thì hàng xáo cần phải có giấy phép kinh doanh và chịu thuế. Trong khi lực lượng này hoạt động tự do, không chịu thuế. Vì vậy, hàng xáo không chấp thuận ký hợp đồng kinh tế với DN”. Theo phản ánh của lực lượng hàng xáo, rào cản lớn nhất đối với hàng xáo khi thực hiện liên kết với DN chính là hợp đồng kinh tế. Nếu hàng xáo mua hóa đơn từ cơ quan chức năng để cung cấp cho DN sẽ ảnh hưởng đến giá thành trên mỗi kí lúa. Nhưng không thành lập DN thì không được khấu trừ đầu vào. Trong khi, Chính phủ tạo mọi điều kiện cho DN xuất khẩu thì nên tạo điều kiện tốt cho hàng xáo trong việc thu mua, nhất là về hóa đơn, thuế thu nhập... để hàng xáo an tâm hoạt động.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên buộc hàng xáo phải thành lập DN, cung cấp hóa đơn, thanh toán qua ngân hàng... Bởi lẽ, nếu không tham gia vào chuỗi liên kết này, hàng xáo vẫn hoạt động ổn định. Trong khi lực lượng này sẽ giải quyết lúa tồn đọng trong dân, cung cấp nguồn nguyên liệu cho DN chế biến. Nếu thiếu họ, hoạt động kinh doanh lúa gạo sẽ ứ đọng và gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần xem đây là loại hình kinh doanh đặc thù và có giải pháp phù hợp để tạo điều kiện tốt cho hoạt động chứ không nên trói buộc. Ông Lê Minh Trượng đề xuất: Thực hiện liên kết DN và hàng xáo trước tiên chỉ nên chú trọng đến giá trị pháp lý của hợp đồng và kế đến là tổ chức lại hoạt động hàng xáo. Theo tôi, nên xây dựng hệ thống đại lý thu mua tương tự như đại lý xăng dầu. Tức là, một đại lý chỉ gắn với một DN và thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng với DN đó. Đồng thời, hàng xáo cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin thị trường cho nông dân và lập bản kê nguồn gốc lúa gạo cho DN.

Cốt lõi trong liên kết hàng xáo- DN là phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN và hàng xáo; đồng thời đảm bảo nông dân có lãi theo quy định của Chính phủ. Điều đó đòi hỏi sự tin tưởng và đồng thuận giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng, tiêu thụ thông qua sự minh bạch về thông tin, giá cả... Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong, nhấn mạnh: “Điều kiện để gắn kết giữa hàng xáo- DN là cùng chia sẻ lợi nhuận, hạn chế rủi ro. Vì thế, thông tin cần được công khai hóa để xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau và có cơ chế linh hoạt trong thực hiện cam kết về độ ẩm, chất lượng, tỷ lệ tấm, thời gian giao nhận hàng”. Theo ông Phong, VFA sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương... để có cơ chế phù hợp với loại hình kinh doanh này nhằm đưa mối liên kết chặt chẽ hơn. VFA kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về xuất khẩu gạo, miễn giảm thuế thu nhập đối với hàng xáo, chỉnh sửa các quy định về thanh toán cho phù hợp với hoạt động mua bán giữa hàng xáo với nông dân và hàng xáo với DN... để gắn chặt mối liên kết này, đảm bảo tiêu thụ lúa hàng hóa thông suốt.

Bài, ảnh: Thành Nguyễn

Chia sẻ bài viết