26/05/2023 - 06:53

Hàng trăm triệu người hứng chịu lũ lụt vì ô nhiễm rác thải nhựa 

NGUYỆT CÁT (Theo Guardian)

Trận lũ lụt kinh hoàng từng cướp đi sinh mạng của 1.000 người ở Mumbai (Ấn Độ) hồi năm 2005 từng được cho bắt nguồn từ một nguyên nhân đơn giản - các túi nhựa đã làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, khiến nước mưa dồn ứ và gây ngập lụt tại thành phố này. Đáng lo ngại là theo một báo cáo mới công bố, nguy cơ lũ lụt vì rác thải nhựa tương tự có thể ảnh hưởng tới ít nhất 218 triệu người nghèo nhất thế giới.

Một con kênh thoát nước chứa đầy rác ở Lagos (Nigeria).

Một con kênh thoát nước chứa đầy rác ở Lagos (Nigeria).

Báo cáo từ Hãng tư vấn môi trường Resource Futures và Quỹ từ thiện quốc tế Tearfund cho biết con số ước tính nói trên tương đương dân số của ba nước Anh, Pháp và Đức cộng lại. Trong đó, khoảng 41 triệu người là trẻ em, người già, người khuyết tật và 75% đối tượng có nguy cơ cao nhất gặp lũ lụt vì rác nhựa sống ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Theo báo cáo, các khu ổ chuột đông dân cư ở Nam Á, Đông Á, Thái Bình Dương và vùng châu Phi cận Sahara có rủi ro cao phải hứng chịu những tác động tồi tệ nhất từ những trận lũ lụt liên quan tới rác thải nhựa, mà nguyên nhân là do phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch, nhất là cơ sở hạ tầng phòng chống lũ lụt còn hạn chế. Được biết, hiện có hơn 1 tỉ người sống trong các khu ổ chuột trên toàn cầu và dự kiến sẽ tăng lên 3 tỉ người vào năm 2050.

Bên cạnh đó, báo cáo chỉ ra rằng ô nhiễm rác thải nhựa tại các cộng đồng nghèo khó ở nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình đang khiến tình trạng lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn vì rác nhựa gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe - bao gồm các bệnh đường tiêu hóa như dịch tả và tiêu chảy. Theo báo cáo, các vật dụng nhựa phổ biến nhất gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước là chai lọ, sản phẩm sợi nylon từ ngành đánh bắt cá và túi nhựa. Tình trạng tích tụ ô nhiễm rác nhựa có thể khiến mực nước dâng lên cao 1 mét trong giờ đầu tiên khi xảy ra ngập lụt.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện rằng trong vài năm gần đây, các cộng đồng ở Cameroon, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ghana, Bangladesh và Indonesia đã phải hứng chịu tình trạng lũ lụt nghiêm trọng hơn vì lý do rác thải nhựa ngăn chặn dòng chảy của hệ thống thoát nước. Họ nhận thấy ở những cộng đồng này, rác thải nhựa là “nhân tố nguy cơ” gây lũ lụt.

Được biết, để xác định những đối tượng có nguy cơ cao nhất, các chuyên gia đã sử dụng một nghiên cứu về nguy cơ lũ lụt và nghèo đói tiến hành hồi năm 2022, trong đó xác định 1,8 tỉ người có nguy cơ gặp lũ lụt cao ở 188 quốc gia. Song, nhóm nghiên cứu đã thu hẹp việc phân tích vào các nước có thu nhập thấp và trung bình với hệ thống thoát nước đô thị, quản lý chất thải rắn và vệ sinh không tương xứng.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Rich Gower - người hỗ trợ chính sách tại Tearfund - nhận xét, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên khắp thế giới đang khiến nguy cơ lũ lụt trở nên tồi tệ hơn và vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không hành động quyết đoán. Tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua và được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2060. Chỉ 9% lượng chất thải nhựa được tái chế trên toàn cầu.

“Mục đích của báo cáo là cảnh báo mức độ nghiêm trọng đối với những người có nguy cao. Điều chúng tôi đang nói đến là ô nhiễm nhựa ảnh hưởng nhiều nhất đến những cộng đồng nghèo nhất, thiệt thòi nhiều nhất. Chúng ta đã chứng kiến điều này từ việc đốt rác thải nhựa và giờ đây  là nguy cơ lũ lụt. Những cộng đồng này phải hứng chịu gánh nặng vì ô nhiễm nhựa” - ông Gower nhấn mạnh.

Chia sẻ bài viết