11/04/2013 - 17:02

Hàn Quốc tăng cường giám sát Triều Tiên

Hôm qua , các phương tiện truyền thông quốc tế cho biết Hàn Quốc đã ra lệnh tăng cường các hoạt động giám sát đồng thời đề nghị Trung Quốc có biện pháp kiềm chế CHDCND Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng có động thái di chuyển hệ thống tên lửa tầm xa cho thấy khả năng tiến hành một vụ phóng tên lửa từ bờ biển phía Đông.

Hàn Quốc tăng cường lực lượng giám sát Triều Tiên trước các nguồn tin
cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng di chuyển hệ thống tên lửa vào
vị trí sẵn sàng. Ảnh: AP/Reuters.

Theo thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên đã hoàn tất các công đoạn cho một vụ phóng tên lửa tầm trung và nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ bắn một quả tên lửa trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 15-4 tới. Phát biểu với hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm 10-4, một quan chức quân sự cấp cao nước này nói trong điều kiện giấu tên cho biết, các chỉ huy lực lượng phối hợp tại Seoul đã nâng trạng thái cảnh giác lên một cấp độ từ điều kiện quốc phòng thời bình, trong đó đẩy mạnh hoạt động giám sát và tăng cường số lượng nhân viên tình báo trước “những dấu hiệu rõ ràng cho thấy miền Bắc có thể phóng các loại tên lửa bao gồm Musudan, Scud và Nodong”.

Ngoài những động thái trên, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se trong buổi điều trần Quốc hội cũng khẳng định chính phủ đã tiến hành phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc và Nga trong nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng “kiềm chế và thay đổi thái độ”. Riêng về phía Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng Thư ký Ban Ki-moon một lần nữa kêu gọi Bắc Triều Tiên “hạ giọng khiêu khích” để tránh đẩy cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Ngoài ra, ông cũng đưa ra đề nghị nên khôi phục hoạt động khu công nghiệp chung Kaesong bởi đây là “một trong những dự án hợp tác liên Triều thành công nhất”.

Trong diễn biến có liên quan, Tư lệnh Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ khu vực Thái Bình Dương- Đô đốc Samuel Locklear tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hôm 9-4 đã khẳng định nước này có khả năng đánh chặn tên lửa của Triều Tiên ngay cả khi nó xảy ra trong nay mai. Song, ông nhấn mạnh giải pháp này chỉ nên áp dụng khi có dấu hiệu rõ ràng cho thấy tên lửa đe dọa trực tiếp đến Mỹ hoặc các quốc gia đồng minh của Washington trong khu vực. “Với vị thế trung tâm trên bán đảo Triều Tiên và tầm quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, hậu quả và những tác động sâu rộng đối với Hàn Quốc nếu xung đột xảy ra là không thể đoán trước”- Đô đốc Locklear nói. Đồng thời, ông cũng thừa nhận về vai trò quan trọng của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên và cho rằng Bắc Kinh cần sử dụng ảnh hưởng của mình hơn nữa để xoa dịu tình hình.

Cùng ngày, tại Hội nghị cấp Ngoại trưởng nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8) - bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada và Nga diễn ra ở Thủ đô Luân Đôn (Anh), Mát-xcơ-va cho biết nước này cũng như các thành viên khác tỏ ra quan ngại và kêu gọi tất cả các bên nên tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhằm hạ nhiệt tình hình ngày càng căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á.

Theo các chuyên gia phân tích, cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ kéo dài cho đến cuối tháng 4 sau khi cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc kết thúc. Trong động thái gần đây nhất vào hôm 9-4, Triều Tiên đã ra cảnh báo kêu gọi các tổ chức, công ty nước ngoài và khách du lịch tại Hàn Quốc nên sơ tán để tránh bị lôi kéo vào một cuộc chiến hạt nhân. Mặc dù “độ nóng” ngày càng tăng trên khía cạnh chính trị - quân sự, nhưng theo ghi nhận của các phương tiện truyền thông quốc tế thì cuộc sống và mọi hoạt động của người dân tại Seoul, Bình Nhưỡng và các khu vực khác trên bán đảo Triều Tiên vẫn diễn ra hết sức bình thường.

VI VI (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết