27/02/2023 - 21:48

Hàn Quốc hưởng lợi từ cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung 

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Theo các chuyên gia, việc Hà Lan và Nhật Bản tham gia kế hoạch của Mỹ hạn chế cung cấp máy móc sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc có thể đẩy các nhà đầu tư tìm đến Hàn Quốc - một đồng minh khác của Washington ở Ðông Bắc Á.

Vi mạch của Samsung trưng bày tại một cửa hàng ở Seoul. Ảnh: AP

Năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ công bố quy định mới thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc thiết bị và công nghệ sản xuất chip sử dụng trong lĩnh vực siêu máy tính. Ðến tháng 1-2023, Washington đạt thỏa thuận cùng Hà Lan và Nhật Bản, mở rộng các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với một số công ty sản xuất máy móc chế tạo chip có trụ sở tại 2 quốc gia đồng minh bao gồm ASML Holding NV, Nikon Corp và Tokyo Electron Ltd.

Việc thành công thuyết phục Hà Lan và Nhật Bản áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc được coi là chiến thắng ngoại giao lớn đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, động thái này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho khách hàng lẫn các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn để tìm kiếm thị trường thay thế. Trong bối cảnh như vậy, Giáo sư Kim Dae-jong tại Ðại học Sejong ở Seoul cho biết Hàn Quốc đang nổi lên như trung tâm sản xuất và phân phối tiềm năng. Vốn là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, quốc gia Ðông Bắc Á được dự đoán nhận nhiều đầu tư nước ngoài hơn, từ đó nới rộng khoảng cách với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.

Giới đầu tư rót tiền vào Hàn Quốc

Không chỉ về mặt lý thuyết, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết đã có những tín hiệu thực tế cho thấy nhiều công ty chip trên thế giới đang tìm kiếm quan hệ kinh doanh chặt chẽ hơn với Hàn Quốc. Ðơn cử như ASML, công ty này từ cuối năm ngoái đã bắt đầu xây dựng các cơ sở mới ở ngoại ô thủ đô Seoul trong dự án trị giá 180 triệu USD. Dự án sau khi hoàn thành vào năm 2024 sẽ bao gồm các trung tâm sửa chữa, chế tạo linh kiện và đào tạo nhân viên. Với chiến lược mở rộng đầu tư vào Hàn Quốc, Giám đốc điều hành ASML Peter Wennink hy vọng quốc gia này có thể trở thành một trung tâm cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Không bỏ lỡ cơ hội, một số cường quốc sản xuất chip khác cũng đang đổ tiền vào Hàn Quốc. Cụ thể, công ty Nhật Bản Tokyo Electron cho biết sẽ chi hơn 83 triệu USD trong năm 2023 để mở rộng trung tâm nghiên cứu và phát triển cũng như các cơ sở ở thành phố Hwaseong. Gần đây, tập đoàn Applied Materials trụ sở tại Mỹ cũng cho công bố kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu thiết bị chip nhớ tại Hàn Quốc. Ðược biết, Applied Materials hiện là một trong những công ty thống trị thị trường thiết bị liên quan đến chất bán dẫn - giai đoạn đầu biến silicon thành chip máy tính. Các khách hàng chính của họ là 2 ông lớn ngành chip của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix, ngoài ra còn có Intel và Taiwan Semiconductor Manufacturing.

Hàn Quốc nắm bắt thời cơ

Theo Giáo sư Kim, bất kỳ sự hợp tác nào giữa các hãng sản xuất chip trong nước và các nhà cung cấp máy móc nước ngoài đều có khả năng mang lại đầu tư trực tiếp vào Hàn Quốc thay vì Trung Quốc. Thấy được cơ hội này, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho biết Seoul đang tăng cường khuyến khích để thu hút đầu tư.

Hồi giữa tháng này, Ngoại trưởng Park trong chuyến thăm Hà Lan đã có cuộc gặp với CEO ASML Wennink để thảo luận về các hợp tác tiềm năng. Một tuần sau cuộc gặp, Chính phủ Hàn Quốc công bố “Chiến lược tăng trưởng mới 4.0” tập trung phát triển 3 ngành công nghiệp là chất bán dẫn, pin và màn hình. Hiện Seoul cũng đang là thành viên của liên minh bán dẫn (Fab 4 hoặc Chip 4) cùng với Mỹ, Ðài Loan và Nhật Bản.

Chia sẻ bài viết