27/11/2023 - 06:30

Hàn Quốc “bắt tay” Boeing đối phó UAV Triều Tiên 

Cơ quan mua sắm vũ khí của Hàn Quốc (DAPA) và hãng chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đang bắt tay phát triển loại máy bay không người lái (UAV) tầm cao, thời gian hoạt động đường dài sau khi UAV Triều Tiên nhiều lần xâm nhập không phận xứ kim chi.

Mẫu UAV Kaori-X của Hàn Quốc. Ảnh: Shephard Media

Theo hãng thông tấn Yonhap, DAPA và Boeing hồi tháng 4 đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển UAV. Trong đó, mục tiêu của DAPA là để các công ty Hàn Quốc đảm nhận việc sản xuất loại máy bay tiên tiến này, trong khi Boeing chịu trách nhiệm về thiết kế và công nghệ không người lái. Yonhap cho biết, quân đội Hàn Quốc và Boeing cũng nhất trí hợp tác trong việc bảo trì, sữa chữa, nâng cấp và hiện đại hóa các máy bay Boeing được quân đội Hàn Quốc sử dụng.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc tìm cách tăng cường năng lực đối phó mối đe dọa từ UAV của Triều Tiên. Tờ Korea Times hồi tháng 9 đưa tin, quân đội Hàn Quốc đã thành lập một trung tâm chỉ huy hoạt động của UAV mới tại thành phố Pocheon sau vụ UAV Triều Tiên xâm nhập không phận nước này hồi năm ngoái. Trung tâm là sự kết hợp của nhiều đơn vị chiến đấu Hàn Quốc, gồm Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến.

“Nếu đối phương tiến hành bất kỳ hành động khiêu khích nào nhằm vào đất nước chúng tôi, chúng tôi sẽ phản ứng nhanh chóng và áp đảo để họ thấy rằng hành động của họ sẽ dẫn tới kết quả tàn khốc” - Tướng Lee Bo-hyung tại Bộ Tư lệnh Phòng không Lục quân, chỉ huy trung tâm, tuyên bố.

Cũng trong tháng 9, tờ The Warzone cho hay quân đội Hàn Quốc đã trình làng một UAV tàng hình tại một cuộc duyệt binh ở thủ đô Seoul. Loại UAV nhỏ gọn này không chỉ sở hữu khả năng giám sát, theo dõi mạnh mẽ mà còn có thể thực hiện các cuộc tấn công điện tử, tấn công động học và hoạt động như một UAV cảm tử, chuyên thực hiện các cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào các mục tiêu.

Theo The Warzone, loại UAV này có thiết kế có thể sánh ngang với thiết kế của mẫu UAV tàng hình nhỏ hơn có tên Kaori-X - một UAV không đuôi cỡ máy bay chiến đấu được Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc công bố hồi tháng 8-2020. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng loại UAV này lại có thiết kế giống như máy bay chiến đấu không người lái tấn công X-47B của Mỹ.

Ngoài việc cho UAV xâm nhập không phận Hàn Quốc, Triều Tiên cũng đã cải thiện đáng kể năng lực giám sát, khiến Seoul “đứng ngồi không yên”. Tờ Korea Times hôm 21-11 cho hay Triều Tiên đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên Chollima-1, mang theo vệ tinh trinh sát Malligyong-1 - vệ tinh nhằm mục đích do thám quân sự ở Hàn Quốc. Vụ phóng vấp phải sự lên án dữ dội từ Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Các nước này cho rằng nó “vi phạm trắng trợn” các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bình Nhưỡng thử nghiệm công nghệ đạn đạo trong tên lửa và tên lửa phóng vệ tinh.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một tuyên bố nhấn mạnh việc sở hữu vệ tinh trinh sát là sự thực thi đầy đủ quyền tự vệ của Bình Nhưỡng. Ông ca ngợi tên lửa đẩy thế hệ mới mang tên Chollima “tỏa sáng trong lịch sử cách mạng Triều Tiên, như biểu tượng của sự tiên phong anh dũng và phát triển thần tốc”, báo trước kỷ nguyên mới của một “cường quốc vũ trụ” đang đến với Triều Tiên.

Dù có cơ sở sản xuất vững chắc và dẫn đầu về công nghệ bán dẫn cho phép nước này trở thành nước đi đầu trong việc phát triển UAV quân sự, Hàn Quốc phải đối mặt với những thách thức chiến lược trong việc tăng tốc chương trình UAV. Học giả Lami Kim mới đây cho rằng việc Hàn Quốc thiếu chiến lược và khái niệm rõ ràng về vận hành UAV đặt ra nghi vấn về cách nước này sẽ đạt được mục tiêu chiến lược đặt ra.Bà Kim nói rằng cách tiếp cận mang tính răn đe và chống tiếp cận của Hàn Quốc đối với Triều Tiên sẽ khó đạt được kết quả, bởi Seoul khó có thể đánh chặn phần lớn UAV của Bình Nhưỡng do hạn chế về công nghệ radar. Trong khi đó, bà lo ngại cách tiếp cận răn đe và trừng phạt sẽ có nguy cơ dẫn tới leo thang quân sự với Triều Tiên.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết