24/04/2022 - 08:34

Hạm đội Biển Ðen trong cuộc chiến Nga - Ukraine 

Ukraine trước nguy cơ mất quyền kiểm soát Biển ÐenTRÍ

"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine đang đặt ra câu hỏi về vai trò của Hạm đội Biển Ðen và cách đơn vị này có thể hỗ trợ lực lượng mặt đất của Mát-xcơ-va.

Soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Ðen. Ảnh: ITAR-TASS

Lực lượng hùng hậu

Hạm đội Biển Ðen được cho đang từng bước "chuyển mình" sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Nếu như vào năm 2000, đơn vị này được xem là "đứa con" bị bỏ rơi của Hải quân Nga, với năng lực tác chiến kém nhất trong số 5 hạm đội, chỉ có khoảng 50% tàu chiến của hạm đội trong trạng thái sẵn sàng hoạt động. Thế nhưng, vào thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Hạm đội Biển Ðen đã có thể đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động của Nga, giúp Mát-xcơ-va ngăn chặn các tàu Ukraine quay trở lại cảng.

Ðáng chú ý, vào tháng 4-2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lệnh triển khai "chương trình phát triển" cho Hạm đội Biển Ðen, dẫn tới việc sản xuất và chuyển giao 4 tàu tuần tra thuộc Dự án 22160 vào năm 2021 cùng với 2 chiếc nữa dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2023. Kể từ đó cho đến nay, Hạm đội Biển Ðen đã đưa vào trang bị hơn 25 tàu chiến mới, gồm nhiều tàu mặt nước hiện đại và 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo cải tiến, có khả năng phóng tên lửa Kalibr. Dù không được trang bị công nghệ động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập nhưng những con tàu này vẫn có thể hoạt động với độ ồn thấp và rất khó bị phát hiện.

Hạm đội Biển Ðen Nga cũng duy trì hoạt động của các phi đội tiêm kích hải quân, ngoài ra còn sở hữu hàng loạt máy bay trinh sát và săn ngầm với sức mạnh vượt trội. Về phần mình, Hải quân Nga đặt mục tiêu nâng cao khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình cho hạm đội thông qua việc đưa vào biên chế các khinh hạm thuộc đề án 11356, tàu hộ vệ mang tên lửa thuộc đề án 21631 và tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo. Trong đó, đề án 21631 thuộc lớp Ðô đốc Grigorovich với các bệ phóng tên lửa thẳng đứng UKSK có khả năng triển khai cả tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr, có thể nhắm các mục tiêu trên đất liền trong khoảng cách từ 1.000-2.000km, cũng như tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 hay tên lửa 3K90M Shtil-1.

Như vậy, Hạm đội Biển Ðen hiện có trong biên chế 89 tàu các loại, trong đó có khoảng hơn 50 chiến hạm, 6 tàu ngầm tấn công, khoảng 50 máy bay chiến đấu các loại cùng 25.000 binh sĩ. Ngoài ra, Hạm đội Biển Ðen còn có Lữ đoàn Phòng thủ Bờ biển số 126 đảm trách vận hành tổ hợp tên lửa Bastion-P trên mặt đất. Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động này được trang bị tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Oniks-M có tầm bắn ước tính lên đến 800km. Các tên lửa này có khả năng nhận được tín hiệu từ các thiết bị bay trên không như UAV, cũng như các tàu có khả năng quan sát thấp.

Những chiến tích mới

Với lực lượng hùng hậu như trên, Hạm đội Biển Ðen về mặt lý thuyết có thể thách thức cả các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) khi tiến vào Biển Ðen hay muốn gây hấn ở Ðịa Trung Hải.

Hạm đội Biển Ðen được cho đã giúp ích rất nhiều cho quân đội Nga trong các cuộc chiến ở Gruzia năm 2008 và Syria năm 2015.  Ðóng vai trò soái hạm trong Hạm đội Biển Ðen là tuần dương hạm Moskva với sức mạnh đáng nể dù nó đã phục vụ được gần 40 năm. Tuần dương hạm Moskva có thể được xem như một tổ hợp phòng không khổng lồ trên biển, với tổ hợp phòng không tầm xa trên hạm S-300F cùng với tổ hợp phòng không tầm gần OSA-MA. Con tàu còn được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" khi sở hữu tới 16 tên lửa chống hạm tầm xa Vulkan P-1000.

Ngay sau khi Nga mở màn "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Ðen đã tham chiến khi sử dụng tên lửa hành trình Kalibr tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu bên trong lãnh thổ Ukraine. Tuần dương hạm Moskva tiếp tục đóng vai trò phong tỏa vùng biển dẫn vào các thành phố cảng chiến lược ở miền Ðông Ukraine. Tuy nhiên, số phận của con tàu này lại kết thúc theo cách không ai có thể ngờ đến. Theo thông báo chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 14-4, tuần dương hạm Moskva đã chìm ở Biển Ðen trong quá trình kéo về cảng Sevastopol. Sự việc xảy ra sau sự cố hỏa hoạn dẫn đến nổ kho đạn trên tàu. Tàu Moskva được cho đã hoạt động ngoài khơi Odessa (Ukraine) khi xảy ra sự cố. Phía Ukraine tuyên bố lực lượng của họ đã tấn công con tàu bằng tên lửa chống hạm Neptune.

Việc mất tuần dương hạm Moskva khi chiến dịch ở Ukraine đang chuyển sang giai đoạn 2 được coi là tổn thất nghiêm trọng với lực lượng Nga, bởi Moskva là tàu chiến mặt nước có uy lực nhất của Hạm đội Biển Ðen. Tuy nhiên, Hạm đội biển Ðen vẫn còn các tàu chiến khác có năng lực tương đương thay thế như tàu lớp Ðô đốc Grigorovich.

Hạm đội Biển Ðen được Nga kỳ vọng có thể hỗ trợ các lực lượng mặt đất Nga triển khai cuộc tấn công đổ bộ nhằm vào Odessa, thành phố đông dân thứ ba của Ukraine, bởi lực lượng này từng tiến hành cuộc tấn công tượng tự vào Syria. Odessa là cảng chủ chốt của Ukraine tại Biển Ðen và được đánh giá là một trong các mục tiêu hàng đầu của Nga, vì kiểm soát được khu vực này đồng nghĩa với Ukraine sẽ gần như không còn đường ra biển.

Ukraine trước nguy cơ mất quyền kiểm soát Biển Ðen

Kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1991, Ukraine chỉ còn duy trì lực lượng hải quân khiêm tốn phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của mình.

Biển Ðen với trung tâm là bán đảo Crimea được Nga sáp nhập năm 2014. Ảnh: iStock  

Tuy nhiên, lực lượng hải quân nước này lại tiếp tục suy giảm nghiêm trọng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, bởi phần lớn các căn cứ hải quân Ukraine đóng tại Crimea. Nga được cho chiếm giữ 75% cứ điểm hải quân, phần lớn máy bay trực thăng và cơ sở sửa chữa tàu của Ukraine.

Thế nên, hải quân của Ukraine hiện nay chỉ có 15 tàu chiến, mà phần lớn là tàu nhỏ. Con tàu lớn duy nhất của Ukraine là khinh hạm với vũ trang hạn chế và không được trang bị tên lửa. Nước này đã từng bước khắc phục hạn chế đó khi phát triển tên lửa chống hạm Neptune có tầm bắn 280km được bố trí trên đất liền. Kiev tuyên bố chính 2 tên lửa Neptune của họ đã bắn cháy soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Ðen của Nga.

Thời gian qua, Mỹ, Anh và các đồng minh khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cũng bắt đầu giúp Kiev tái thiết lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến đặc nhiệm. Bên cạnh viện trợ 4 tàu tuần tra Island cũ, Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch bán 16 tàu tuần tra Mk VI cho Ukraine. Anh thì cung cấp 2 tàu quét ngư lôi lớp Sandown và đóng 8 tàu trang bị tên lửa cho Kiev. Hai bên cũng đang thảo luận mua sắm tàu khu trục. Pháp đang đóng 20 tàu tuần tra đa chức năng OCEA FPB cho Ukraine, còn Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng 2 tàu hộ vệ…

Tuy nhiên, trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga hiện nay, Ukraine có thể mất cả quyền kiểm soát Biển Ðen. Từ Biển Azov, Nga đã đưa quân đánh chiếm thành phố cảng Mariupol nhằm xây dựng tuyến hành lang trên bộ nối với 2 nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk được Mát-xcơ-va công nhận tại khu vực Donbass thuộc miền Ðông Ukraine. Trong khi đó, từ bán đảo Crimea, Nga vốn kiểm soát eo biển Kerch (kết nối Biển Azov và Biển Ðen) đã đưa quân kiểm soát thành phố Kherson. Từ đây, con đường tiến tới quân cảng Ochakiv, sau đó đến thành phố cảng và căn cứ không quân Odessa không còn bao xa. Ochakiv cách Odessa khoảng 65km và cách căn cứ hải quân Sevastopol (trên bán đảo Crimea) khoảng 270km.

 Nếu thành phố cảng chiến lược Odessa sụp đổ, kinh tế Ukraine vốn phụ thuộc vào các cảng ra vào Biển Ðen sẽ sụp đổ theo. Như vậy, Nga coi như đã kiểm soát phân nửa Biển Ðen, nơi còn có chủ quyền của các nước khác là Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania và Gruzia.

Trí Văn - Ðức Trung (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết