|
Tàu khu trục Neustrashimy của Nga được điều tới vùng biển Somalie. Ảnh: AFP |
Cuối tuần rồi, Nga đã quyết định điều tàu chiến Neustrashimy tới vùng biển Somalie để bảo vệ tàu bè và công dân của mình sau khi hải tặc bắt cóc tàu Faina của Ukraina, trên đó có 3 thủy thủ Nga. Tàu khu trục Neustrashimy thuộc Hạm đội Baltic mang theo khoảng 200 thủy thủ và được trang bị tên lửa.
Chiếc Faina chở 33 xe tăng T-72 do Nga sản xuất, cùng một lượng lớn súng phóng lựu và súng phòng không đang trên đường tới Kenya thì bị hải tặc bắt cóc trên vùng biển Somalie hôm 25-9. Một kẻ tự xưng là phát ngôn viên của nhóm bắt cóc yêu cầu Chính phủ Kenya bỏ ra 35 triệu USD tiền chuộc mới phóng thích tàu cùng thủy thủ đoàn 21 người (số vũ khí này Ukraina bán cho Kenya). Hắn cũng không quên dọa rằng hậu quả sẽ là khôn lường nếu bọn chúng bị tấn công. Cùng với chiến hạm Nga, tàu khu trục Mỹ USS Howard cũng tiến vào vùng biển Somalie để bảo đảm rằng bọn hải tặc không di chuyển vũ khí hoặc các con tin đi nơi khác. Ngày 28-9, cố vấn của người đứng đầu khu vực bán tự trị Puntland ở Somalie, ông Bile Mohamoud Qabowsade, và các nhân chứng cho biết hải tặc bắt cóc tàu Faina đang bị ba tàu chiến nước ngoài bao vây. Ông còn cho biết trong ba tàu chiến có một tàu của Mỹ và hai tàu của các nước thành viên Liên minh châu Âu, song không nêu đích danh.
Một ngày sau khi bắt cóc tàu chở vũ khí của Ukraina, cướp biển lại tấn công và bắt giữ một tàu chở dầu của Hy Lạp đang trên đường từ châu Âu tới Trung Đông, trên đó có 19 thủy thủ. Theo Cơ quan chống hải tặc quốc tế, từ đầu năm đến nay, trên vùng biển Somalie đã xảy ra 62 vụ tấn công tàu và bắt cóc 26 tàu, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 27-9, chiếc Stella Maris của Nhật đã được trả tự do sau khi nộp 2 triệu USD tiền chuộc, chiếc Bunga Melati 5 của Malaysia cũng được phóng thích khi đáp ứng số tiền chuộc 2 triệu USD (hồi đầu tháng 9, Malaysia đã điều hai tàu chiến tới đây sau khi hải tặc bắt cóc một số tàu chở hàng của họ). Cùng ngày, hãng thông tấn MENA của Ai Cập cho biết một chiếc tàu của nước này cùng 25 thủy thủ bị bắt cóc hồi đầu tháng 9 đã được phóng thích, tuy nhiên MENA không tiết lộ số tiền chuộc là bao nhiêu. Hiện vẫn còn 12 tàu với gần 300 thủy thủ bị cướp biển giam giữ.
Vịnh Aden, nằm trên vùng biển giữa Somalie và Yemen, là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Mỗi năm có khoảng 20.000 tàu bè quá cảnh qua đây khi vận chuyển hàng hóa từ Biển Đỏ sang Ấn Độ Dương. Cướp biển lộng hành một phần do Somalie đang lâm vào nội chiến và từ năm 1991 đến nay, quốc gia này không có một chính phủ theo đúng nghĩa của nó. Một số nhóm hải tặc ngụy biện rằng do chính quyền trung ương “bó tay”, nên bọn chúng tự đứng ra chống lại những tàu thuyền nước ngoài khai thác thủy sản trái phép hoặc lén lút đổ chất thải độc hại xuống vùng biển nước này. Số tiền chúng đòi hỏi là “tiền phạt” chứ không phải tiền chuộc (!?).
Những tháng gần đây, một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia (do Mỹ đứng đầu) đồn trú ở Djibouti thường xuyên tuần tra quanh vịnh Aden. Tuy nhiên, hoạt động này tỏ ra không hiệu quả do bọn hải tặc luôn sử dụng thuyền tốc độ cao, lại được trang bị đầy đủ vũ khí tự động và súng phóng lựu. Bọn chúng thường hành động chớp nhoáng nên lực lượng đặc nhiệm không kịp trở tay.
LÊ DÂN (Theo AP, Times Online)
Tháng 4-2006, 5 thủy thủ Việt Nam làm việc trên một tàu Hàn Quốc từng bị cướp biển Somalie bắt giữ trong hơn 3 tháng. Họ được phóng thích sau khi chủ tàu chấp nhận trả một khoản tiền chuộc lớn. |