03/10/2021 - 19:18

Hải quân Trung Quốc thúc đẩy AUKUS ra đời? 

Bất chấp tranh cãi giữa các đồng minh, sự ra đời của hiệp ước an ninh ba bên gồm Mỹ, Anh và Úc (AUKUS) được đánh giá là cần thiết trước tham vọng của Trung Quốc muốn đẩy lùi sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Hải quân Trung Quốc hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ trở thành cường quốc hải quân thống trị trong khu vực và đóng vai trò “chiếc ô an ninh” bảo vệ hai đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc cùng Ðài Loan. Tuy nhiên, sự phát triển của lực lượng vũ trang Trung Quốc trong 20 năm trở lại đây bắt đầu cản trở quyền tự do hành động của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Năm 2020, Trung Quốc được nhìn nhận có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với 350 tàu chiến so với 293 tàu của Mỹ. Nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, Bắc Kinh đã và đang mở rộng năng lực tác chiến trên biển thông qua các dự án đóng tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay thế hệ mới. Ước tính, tổng số lượng tàu của hải quân Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong hai thập kỷ và có thể cán mốc 400 chiếc vào năm 2025. Tham vọng của nước này là sở hữu lực lượng hải quân đẳng cấp vào năm 2035 và tiềm lực quân đội “sánh ngang Mỹ” trước năm 2049 - nhân dịp kỷ niệm 100 năm lập quốc.

Với việc hải quân Trung Quốc không ngừng mở rộng sự hiện diện và từng bước kiểm soát các yếu tố then chốt ở Tây Thái Bình Dương, chuyên gia Sidharth Kaushal tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh cho rằng cường quốc châu Á có thể đã đủ năng lực đẩy Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất (khu vực trải dài từ phía Nam của Nhật Bản tới Ðài Loan, Philippines và Biển Ðông), buộc Washington phải cầm cự dựa trên việc hợp tác với các đồng minh trong khu vực. Theo ông Kaushal, đây chính là cơ sở cho việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tới châu Á - Thái Bình Dương. Tuy giới chức Anh khẳng định nước này không có ý định đối đầu với hải quân Trung Quốc, nhưng các cuộc tập trận giữa HMS Queen Elizabeth với lực lượng Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc vào tháng 8 trước khi quay lại Biển Ðông thể hiện rõ ý định của một trong những đồng minh thân cận với Washington trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), đó là các nước châu Âu sẽ đóng vai trò lớn hơn ở khu vực giữa lúc Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự.

Trước đó, các chuyên gia đặt nghi vấn hải quân Mỹ liệu có thể tiếp cận eo biển Ðài Loan để bảo vệ vùng lãnh thổ này trong tình huống bùng phát xung đột với Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát lo ngại Mỹ có khả năng bị đẩy lùi sâu hơn vào Biển Philippines và phải dàn mỏng lực lượng trên phạm vi rộng. Vấn đề tương tự cũng được đặt ra đối với tình huống trên Biển Ðông, nơi Trung Quốc đang kiểm soát và từng bước thực hiện chiến lược độc chiếm biến vùng biển này thành “ao nhà”. Cũng chính sự bành trướng này của Trung Quốc đã thúc đẩy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hợp tác với Anh và Úc dựa trên hiệp ước quốc phòng AUKUS, ông Kaushal nhận định. Theo Hãng tin BBC, thỏa thuận nói trên đã xây dựng một vòng tròn hàng hải trên toàn cầu với Mỹ và hai đồng minh đóng ở các điểm trọng yếu từ Ðại Tây Dương tới Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ðặc biệt, trọng tâm của AUKUS giúp Úc phát triển tàu ngầm hạt nhân, cho phép nước này kéo dài thời gian sứ mệnh triển khai tới những tuyến hàng hải quan trọng như Biển Ðông, mở đường cho Mỹ và đồng minh vươn sâu vào Ðông Bắc Á cùng Ðông Nam Á.

MAI QUYÊN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết