12/01/2021 - 22:33

Hải quân Mỹ lập kế hoạch đối phó Trung, Nga 

Chủ nhiệm Tác chiến của Hải quân Mỹ, Đô đốc Michael Gilday hôm 11-1 đã công bố “kế hoạch điều hướng” 10 năm nhằm duy trì lợi thế quân sự của Mỹ trên biển, chống lại các mối đe dọa gây hấn của hải quân Nga và Trung Quốc.

Trong kế hoạch dài 18 trang, ông Gilday nhấn mạnh 4 ưu tiên hàng đầu mà hải quân xứ cờ hoa phải tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm soát biển và phát triển sức mạnh trong thập kỷ tới. Cụ thể, Hải quân Mỹ sẽ tập trung đầu tư vào công tác huấn luyện và đào tạo đội ngũ thủy thủ; bảo dưỡng tàu đúng hạn; đầu tư năng lực trong các lĩnh vực như tác chiến mạng, tình báo và vũ khí laser có thể đánh bại tên lửa hành trình chống hạm; đồng thời nâng cao năng lực đội tàu có và không có người lái.

Tàu Tuần duyên Mỹ tuần tra trên biển. Ảnh: Handout

Tàu Tuần duyên Mỹ tuần tra trên biển. Ảnh: Handout

Kế hoạch đề cao vai trò kiểm soát trên biển của Hải quân Mỹ cũng như cách thức lực lượng này lập kế hoạch huấn luyện, trang bị và đào tạo nhân sự để đáp ứng nhu cầu. Theo Ðô đốc Gilday, Hải quân Mỹ đang tìm cách loại bỏ các tàu tác chiến ven bờ cũ kỹ, bởi chúng “không còn khả năng gây sát thương trong một cuộc chiến”, thay vào đó sẽ chuyển sang sử dụng các tàu đổ bộ nhẹ hơn.

Kế hoạch trên là phần bổ sung cho Chiến lược Hàng hải 3 tuyến, tích hợp 3 lực lượng Hải quân, Thủy quân lục chiến và Tuần duyên được công bố hồi tháng 12 năm ngoái. Chiến lược kêu gọi ưu tiên thành lập các liên minh và tăng cường quan hệ đối tác nhằm kiềm chế sự phát triển của hải quân Trung Quốc và Nga.

Chiến lược định nghĩa các mục tiêu của Hải quân Mỹ là “bảo vệ tự do trên các vùng biển, chống lại sự hung hăng và giành chiến thắng trong các cuộc chiến”. Theo đó, Mỹ nhận định “hành vi của Trung Quốc và sự phát triển quân đội nhanh chóng của nước này thách thức việc Mỹ tiếp tục thực hiện các mục tiêu”, qua đó nhấn mạnh Bắc Kinh là “mối đe dọa chiến lược lâu dài cấp bách nhất” của Washington, đồng thời yêu cầu 3 lực lượng trên tích cực hiện đại hóa cũng như tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác.

Về phần Nga, chiến lược cảnh báo, ngoài việc hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân chiến lược, Mát-xcơ-va đang phát triển các khinh hạm tên lửa hiện đại, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tên lửa siêu thanh, vũ khí hạt nhân chiến lược cũng như tàu ngầm hiện đại. Không những vậy, Hải quân Nga còn mở rộng hoạt động trên toàn cầu và triển khai hoạt động gần các bờ biển Mỹ, trong khi tiếp tục tấn công mạng máy tính xứ cờ hoa.

Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Ðại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng chiến lược hàng hải tích hợp mới này về cơ bản sắp xếp các hoạt động hợp tác và phối hợp đã có từ trước, đồng thời đóng vai trò như một khuôn khổ hướng dẫn cách các lực lượng hàng hải Mỹ phối hợp với nhau và tập hợp sức mạnh để đối phó với các hoạt động hàng hải của Trung Quốc. Còn Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Viện nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ), thì cho rằng chiến lược nhằm đưa vào sử dụng “các nền tảng cơ động, ít sát thương hơn hoặc không sát thương để đối phó với sự hiện diện của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp”.

TRÍ VĂN (Theo Stripes, SCMP)

Chia sẻ bài viết