09/06/2023 - 08:55

Hạ viện Mỹ tê liệt vì nhóm siêu bảo thủ

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Freedom Caucus, một nhóm 11 nghị sĩ theo đường lối cực hữu trong Hạ viện Mỹ, vừa một lần nữa làm tê liệt cơ quan lập pháp này và buộc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy phải dời các cuộc bỏ phiếu sang tuần tới.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trả lời báo chí sau khi Hạ viện thông qua dự luật về trần nợ công ngày 31-5. Ảnh: AFP

Trong ngày thứ hai liên tiếp, Nhóm Tự do Hạ viện  hôm 7-6 đã ngăn cản ông McCarthy đưa ra một loạt sáng kiến của đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Các thành viên của nhóm này nói rằng việc họ cản bước ông McCarthy là có cơ sở, bởi ông McCarthy hồi tuần trước đã đạt được thỏa thuận về việc đình chỉ giới hạn nợ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống xứ cờ hoa năm 2024, để tránh vỡ nợ liên bang. “Hành động của ông McCarthy vi phạm thỏa thuận mà chúng tôi đưa ra hồi tháng 1 về một quốc hội thống nhất, hoạt động hiệu quả” - nữ nghị sĩ Cộng hòa Lauren Boebert cho biết.

Trước đó, Nhóm Tự do Hạ viện hôm 6-6 đã đứng về phía đảng Dân chủ để phản đối 2 dự luật do đảng Cộng hòa hậu thuẫn.

Theo Hãng tin AP, các thành viên của nhóm này nằm trong số 71 đảng viên Cộng hòa bảo thủ hồi tuần trước đã cố gắng ngăn chặn Hạ viện thông qua dự luật nâng trần nợ công nhằm giúp Mỹ thoát cảnh vỡ nợ và đe dọa lật đổ ông McCarthy. Những người này cho rằng ông McCarthy đã đàm phán cắt giảm chi tiêu không đủ mạnh và ông làm vậy là nhằm trả đũa họ. “Chúng tôi thất vọng với cách hoạt động của nơi này. Chúng tôi sẽ không sống trong thời đại của một Chủ tịch Hạ viện đế quốc nữa” - Nghị sĩ Cộng hòa Matt Gaetz, một trong những thành viên của nhóm tự do nói.

Về phần mình, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Dan Bishop tuyên bố sẽ yêu cầu Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về việc bãi nhiệm ông McCarthy khỏi ghế chủ tịch. Theo ông Bishop, thỏa thuận đã nhượng bộ quá nhiều cho phe Dân chủ. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Chip Roy cam kết “tính sổ” với ông McCarthy. Được biết, bất cứ thành viên nào của Hạ viện Mỹ đều có thể yêu cầu bỏ phiếu bãi nhiệm chủ tịch. Ông McCarthy sẽ mất ghế nếu có hơn 50% nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý bãi nhiệm.

Ông McCarthy được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ hồi đầu năm nay sau khi phải trả giá bằng cách nhượng bộ nhóm cánh hữu có đường lối cứng rắn. Theo đó, mọi nghị sĩ đều có thể yêu cầu cách chức ông vào bất kỳ lúc nào. Điều này khiến quyền lực của ông McCarthy yếu đi trong các vấn đề chính sách.

Chia sẻ bài viết