28/11/2017 - 10:01

Góc khuất trong liên minh Hồi giáo chống khủng bố 

Saudi Arabia vừa tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố tại Thủ đô Riyadh, với sự tham gia của lãnh đạo bộ quốc phòng đến từ hàng chục quốc gia, qua đó cho thấy tham vọng của Thái tử Mohammed bin Salman muốn trở thành thủ lĩnh thế giới A-rập.

Các nhà lãnh đạo Liên minh Hồi giáo chống khủng bố. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà, Thái tử Mohammed tuyên bố liên minh quân sự này đã đánh bại chủ nghĩa khủng bố vốn hoạt động thiếu gắn kết ở các quốc gia thành viên trong những năm qua. Tuy vậy, ông cam kết sẽ “truy đuổi những kẻ khủng bố cho đến khi chúng bị quét sạch khỏi bề mặt Trái đất”. “Mối hiểm họa lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan là làm ô uế thanh danh tôn giáo đáng kính của chúng ta… Chúng ta sẽ không cho phép điều này tái diễn” – ông Mohammed nhấn mạnh. Để thực hiện mục tiêu đó, Thái tử Mohammed cho biết liên minh sẽ “phối hợp hỗ trợ các nỗ lực quân sự, tài chính, tình báo và chính trị cho mỗi quốc gia thành viên tham gia chống chủ nghĩa khủng bố và tư tưởng cực đoan”.

Thủ lĩnh quyền lực trong khu vực

Theo hãng tin AFP, Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố được thành lập hồi tháng 12-2015 dưới sự bảo trợ của ông Mohammed, người khi ấy là Phó Thái tử, Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia. Thời điểm đó, ông Mohammed coi nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria như là căn bệnh hủy hoại thanh danh của đạo Hồi. Saudi Arabia cũng đồng thời là thành viên trong liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu.

Tuy nhiên, theo tờ Deutsche Welle, sự tham gia của Saudi Arabia và Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố vào liên minh quốc tế chống IS của  Mỹ rất mờ nhạt. Thay vào đó, Saudi Arabia và các đồng minh bắt đầu sa lầy vào cuộc chiến ở Yemen chống nhóm phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn. Những người chỉ trích cho rằng liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu là hình thức tuyên truyền nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo của nước này trong thế giới A-rập và Hồi giáo.

Và hiện tại, vị thế và quyền lực của ông Mohammed đã tăng lên nhanh chóng kể từ khi được cha mình là Quốc vương Salman bin Abdulaziz đôn lên làm Thái tử tháng 6-2017. Theo Deutsche Welle, tập hợp liên minh là cách nhà lãnh đạo trẻ 32 tuổi thể hiện mình như thủ lĩnh thế giới A-rập vào thời điểm mà vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực bị đặt dấu chấm hỏi.

Chống khủng bố hay chống Iran?

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố hôm 26-11 quy tụ 41 nước tham dự, tăng hơn 7 nước so với lúc thành lập. Thái tử Mohammed cho rằng hội nghị diễn ra ngay sau vụ tấn công đẫm máu tại một nhà thờ ở Ai Cập làm hơn 300 tín đồ thiệt mạng càng thôi thúc quyết tâm của liên minh  trong cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan.

 Tuy nhiên, lần này Qatar không được tham gia vì bị lệnh phong tỏa và cấm vận của các láng giềng A-rập do không chịu hạ cấp quan hệ với Iran. Liên minh là tập hợp các nước do người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số hoặc nắm vai trò lãnh đạo. Vì thế, Iran và hai quốc gia đồng minh Iraq, Syria cũng không được mời tham gia. Cho nên, theo Reuters, các nhà chỉ trích cho rằng liên minh mới có thể trở thành phương tiện giúp Saudi Arabia triển khai chính sách đối ngoại gây hấn nhiều hơn nhờ sự ủng hộ của các nước nghèo Á-Phi nếu như họ nhận được trợ giúp tài chính và quân sự. Hiện Riyadh đã công bố gói hỗ trợ trị giá 107 triệu USD cho liên minh. Ngoài việc đang dẫn đầu chiến dịch ngoại giao cô lập chống Qatar, Saudi Arabia cũng đang gia tăng căng thẳng với Iran vì cuộc chiến ở Yemen, Syria và tiến trình chính trị ở Lebanon.

Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Qatar

Dù tham dự hội nghị chống khủng bố ở Saudi Arabia, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26-11 đã cùng Iran và Qatar ký thỏa thuận thúc đẩy thương mại giữa 3 nước. Thỏa thuận  này sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran qua Qatar, quốc gia đang chịu lệnh phong tỏa giao thông và cấm vận thương mại của các nước A-rập láng giềng.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết