17/11/2019 - 00:40

Gỡ rào cản xuất nhập khẩu

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tính đến hết năm 2018 đã có 144 vụ phòng vệ thương mại (PVTM) do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Riêng năm 2018 có 19 vụ PVTM mới khởi xướng. Hiện nay, Mỹ là quốc gia điều tra PVTM nhiều nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (27 vụ việc), EU là 17 vụ… Trong số 144 vụ, có 81 vụ việc về chống bán phá giá, 30 vụ tự vệ có liên quan đến hàng hóa Việt Nam, 14 vụ trợ cấp cấp và 19 vụ lẫn trốn thuế. Trong bối cảnh các nước tăng cường bảo hộ nền sản xuất trong nước thì PVTM sẽ ngày càng tăng.

Đơn cử với mặt hàng nông sản, thì tôm và cá tra là hai mặt hàng vướng PVTM của Mỹ nhiều năm nay. Với mặt hàng tôm, trải qua nhiều lần áp tăng, giảm thuế chống bán phá giá tôm đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, thì lần gần đây nhất (tháng 8-2019), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức áp thuế chống bán phá giá tôm cho 31 DN xuất khẩu tôm Việt Nam là 0% (POR 13). Những DN được hưởng thuế 0% thở phào nhưng không vì thế mà chủ quan vì Mỹ có thể tái áp dụng PVTM. Hay đối với mặt hàng cá tra, POR 15 (tháng 10-2019), DOC công bố mức thuế 0% đối với DN xuất khẩu cá tra là bị đơn trong đợt xem xét sơ bộ POR 15, còn đối với các DN khác xuất khẩu cá tra vào thị trường này phải chịu thuế suất 2,39 USD/kg. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn, 10 tháng năm 2019 kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7,1 tỉ USD và thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là 4 thị trường lớn nhập khẩu thủy sản của Việt Nam (chiếm 57%)… và hàng rào kỹ thuật, thương mại của các quốc gia này rất khắt khe.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khu vực thị trường tự do mà Việt Nam đang tham gia ngày càng mở rộng; đơn cử như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), AFTA (ASEAN), VN-AEU FTA (Việt Nam, Nga, Belarus, Amenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan), FTA Việt Nam-EU… có độ tự do hóa thương mại rất cao, nhiều dòng thuế được cắt giảm, xóa bỏ thì sức ép cạnh tranh đối với DN sẽ lớn hơn. Cùng với hàng rào kỹ thuật, hàng rào PVTM được xem là lá bài chủ chốt mà các nước sẽ áp dụng để bảo hộ sản xuất trong nước. Do đó, việc xây dựng một chiến lược để nâng cao hiệu quả trong hội nhập quốc tế, giúp DN tận dụng và khai thác tốt các thị trường cần được tiến hành đồng bộ.

Các bộ ngành cần có những thống kê cụ thể về các quy tắc, quy định, nhu cầu thị trường… của các nhà nhập khẩu; đồng thời phân tích, đưa ra những chính sách, khuyến cáo cho DN. Bên cạnh đó, DN phải nâng cao nội lực, tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, liên kết chuỗi ngành hàng chặt chẽ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ để không vấp các rào cản nhập khẩu mà các nước đưa ra. Song song đó, cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung quá nhiều vào một thị trường. Điều này cần sự chủ động của cả các cơ quan nhà nước và DN.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết