12/08/2009 - 21:24

Giống tôm càng xanh Trung Quốc "lấn sân"

Tôm càng xanh một loài thủy đặc sản nước ngọt của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thế nhưng hiện tại con giống sản xuất tại chỗ đang bị giống tôm càng xanh Trung Quốc “lấn sân”. Hiện nay, đã có trại sản xuất giống tôm càng xanh ở Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ... đã bỏ nghề “bà đỡ” của con tôm xứ mình, mà chuyển sang ươm tôm giống Trung Quốc để kinh doanh.

TRÀN LAN TÔM GIỐNG GIÁ RẺ

Kỹ sư Lê Hoàng Vũ, Phó chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, cho biết: Đồng Tháp có khoảng 40 trại sản xuất giống tôm càng xanh, nhưng hiện chỉ còn 26 cơ sở hoạt động cầm chừng và gần như chuyển sang ươm tôm giống của Trung Quốc từ nguồn du nhập ở nhiều cửa khẩu... Hiện tại, tôm giống Trung Quốc đang có mặt tràn lan trên địa bàn tỉnh và giá bán thấp hơn từ 15% - 20% so với tôm giống sản xuất trong vùng. Nguyên nhân tôm giống sản xuất trong nước có giá thành cao hơn tôm ngoại nhập đã kéo nông dân chạy sang sử dụng con giống Trung Quốc, trại sản xuất cũng vì hám lợi nên đã chuyển sang ươm tôm giống Trung Quốc để cung ứng cho thị trường.

Giống tôm càng xanh phổ biến ở ĐBSCL nay lại bị “ép sân”. 

Anh Trung, một chủ cơ sở sản xuất giống ở Đồng Tháp, nói: “Đầu tư cả trăm triệu đồng vốn, chúng tôi mới sản xuất được 1 triệu con giống bán với giá 130 đồng/con giống. Trong khi đó, người mua tôm giống Trung Quốc chỉ cần bỏ ra từ 100 - 110 đồng/con giống là đã có hàng giao tận nhà mà lại thu về lợi nhuận cao”. Trước năm 2008, giá thành sản xuất tôm giống bình quân từ 100 - 120 đồng/con giống. Trong khi đó, giá thức ăn để sản xuất tôm giống (artimia) vào tháng 7 năm 2009 đã tăng hơn 2 lần so với thời điểm giữa năm 2008. Điều này làm cho các đơn vị sản xuất giống có quy mô lớn cũng rất bị động trong khâu sản xuất trước những vụ nuôi tập trung. Đồng Tháp ước tính diện tích nuôi tôm càng xanh trong 6 tháng đầu năm 2009 đã đạt gần 1.700ha, với số lượng khoảng hơn 180 triệu tôm giống. Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, có trên 60% nông dân mua con giống nhập khẩu trôi nổi để nuôi. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất giống của tỉnh hiện mới cung ứng ra thị trường hơn 30 triệu tôm giống (chưa tới 20% nhu cầu).

Ở TP Cần Thơ, các trại giống quy mô lớn đã bắt đầu “bỏ cuộc”, chuyển sang ươm giống thủy sản khác như: tôm sú, cá, cua và giống tôm Trung Quốc. Từ hơn 50 trại sản xuất giống năm 2006, đến nay toàn thành phố chỉ còn chưa đến 20 cơ sở duy trì nghề. Anh Tâm, một chủ cơ sở ở Ô Môn, đã đóng cửa từ năm 2008, tính toán: Với 20m3 bể, làm cật lực cũng chỉ khoảng 400.000 con giống và nếu bán với giá 110 đồng/con giống là lỗ. Trong khi đó, chỉ cần một cú điện thoại, 24 giờ sau hàng triệu tôm giống được nhập về tới cửa với giá chỉ 90 đồng/con giống. Dưỡng thêm vài ngày, bán ra 100 đồng/con giống vẫn rẻ hơn và vẫn lãi cả trăm triệu đồng (!). Theo anh Tâm đây là nguyên nhân khiến nhiều cơ sở sau khi “thua trên sân nhà” đã ngay lập tức quay sang nhập tôm giống từ Trung Quốc về ươm đạt cỡ, rồi thông qua các đại lý phân phối cho người nuôi.

NÔNG DÂN CHỊU RỦI RO!

Nhiều người nuôi tôm ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp cho biết: Bây giờ cánh thương lái buôn giống tôm Trung Quốc vào tận trại nuôi chào giá chỉ 90 đồng/con giống, trong khi giá của các cơ sở bán với giá 120 đồng/con giống. Anh Năm Đông, người nuôi tôm ở Tam Nông đang thả nuôi giống tôm Trung Quốc trong diện tích 1 ha với gần 100.000 tôm giống, chưa thể đoán được kết quả tốt hay xấu. Nhưng theo tính toán của anh, nếu sử dụng giống sản xuất trong nước sẽ lên tới 13 triệu tiền giống. Trong khi đó, sử dụng giống “khác”, anh tiết kiệm hơn 4 triệu đồng. Anh Đông nói: “Trong tình thế giá thức ăn, công cán, thuốc men, xăng dầu, điện... cái gì cũng tăng thì chọn mua giống rẻ để giảm chi phí đầu tư. Chuyện nguồn gốc ngoại hay giống nội không còn quan trọng nữa...”.

Chưa có điều tra, so sánh khoa học nào về chất lượng và năng suất của tôm càng xanh giống Trung Quốc với giống tôm càng xanh sản xuất trong nước. Nhưng điều trước mắt người nuôi thấy giá thấp là “mê”, còn chất lượng thì cần phải chờ thời gian khảo nghiệm. Tuy nhiên, tình trạng nhà nông mua giống trôi nổi thả nuôi thiệt hại đã có xảy ra. Ông Hai Huỳnh, một hộ nuôi hơn 3 ha tôm càng xanh ở Ô Môn, cho biết: Năm 2008, vì kẹt vốn đầu tư nên chấp nhận thả trên 300.000 con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, sau 3 tháng đầu tăng trưởng khá tốt, nhưng đến tháng thứ 4 thì tôm bắt đầu nhiễm bệnh đục thân và hao hụt dần. Kết quả thu hoạch sản lượng giảm đến 70%. Tính sơ sơ thua lỗ trên 100 triệu đồng...”. Ông Hai Huỳnh còn chia sẻ, thua đau vụ tôm vì mua giống trôi nổi, khi ấy mới chạy tìm mua giống nội địa, nhưng tìm cả tháng mà giống vẫn không đủ thả vì các trại sản xuất tôm nội có uy tín hiện đã quay sang giống ngoại. Cuối cùng phải chấp nhận mua phân nửa giống “nội”, phân nửa giống “ngoại” để thả nuôi...

Theo các chuyên gia thủy sản, tôm càng xanh Trung Quốc thực chất có cùng nguồn gốc với tôm Việt Nam, nhưng kích cỡ nhỏ hơn, tỷ lệ tôm nuôi đạt loại 1 thấp hơn nhiều so với tôm giống sản xuất tại ĐBSCL. Trong khi đó, giá bán tôm thành phẩm giữa loại 1 và các loại còn lại chênh lệch đến 25 - 30%. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đa số hộ nuôi tôm càng xanh có “trúng mùa”, vẫn không mang lại hiệu quả cao. Theo nghiên cứu mới nhất của Trường Đại học Cần Thơ, bệnh đục cơ trên tôm càng xanh là do sự phối hợp của hai loại virus tiềm ẩn trên nhiều cá thể giống. Cảnh báo của Chi cục Thủy sản Cần Thơ, bệnh đục cơ khi đã phát nặng trên đàn tôm là không có thuốc đặc trị và ngăn ngừa lây lan hiệu quả.

Kỹ sư Lê Hoàng Vũ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, cho biết: Mặc dù các cơ quan chức năng đã nắm tình hình này từ cách đây 2 năm, nhưng cơ sở pháp lý để quản lý, thắt chặt tình trạng tôm giống Trung Quốc tràn vào địa bàn vẫn chưa có. Bởi cho đến nay, chưa có điều tra, nghiên cứu chính thức nào của các cơ quan chức năng về những thiệt hại mà tôm giống Trung Quốc gây ra, cũng như so sánh hiệu quả kinh tế với tôm giống nội. Còn về nguy cơ dịch bệnh, kỹ sư Lê Hoàng Vũ xác nhận, vận chuyển đường dài, sốc môi trường là những nguyên nhân làm tôm suy yếu, dễ dẫn đến phát bệnh hàng loạt nếu như giống có mang mầm virus. Nhưng về mặc kiểm dịch, ông Vũ nói: “Đó là chức năng của cơ quan chức năng, nhưng cho đến nay hệ thống kiểm dịch thú y thủy sản cấp tỉnh nhìn chung chưa hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả vì thiếu chuyên môn kỹ thuật!”. Trong khi đó, các Chi cục Thủy sản dù có chuyên môn kỹ thuật và nhân sự, nhưng không được giao chức năng kiểm dịch giống thủy sản. Hơn nữa, trên thực tế, muốn đầu tư hệ thống máy móc (PCR) để kiểm dịch tại chỗ, cần trên 1 tỉ đồng và phải đào tạo con người để vận hành. Hiện chưa có địa phương nào trong khu vực đủ lực để làm. Vì vậy, theo ông Lê Hoàng Vũ: “Để tự bảo vệ mình, bà con nông dân nên cẩn trọng với con giống. Nếu không rõ nguồn gốc, cơ sở không có uy tín, thì tuyệt đối không mua dù giá có rẻ hơn!”.

Theo ước tính, niên vụ tôm năm 2009 này, chỉ riêng Đồng Tháp và An Giang sẽ có gần 2.300ha thả nuôi (chủ yếu là nuôi trên ruộng lúa lấp vụ hè thu và thu đông). Nhu cầu giống dự báo sẽ lên tới trên 250 triệu con giống. Riêng TP Cần Thơ, mặc dù có diện tích nuôi ước tính chưa tới 100ha, nhưng các cơ sở sản xuất và phân phối giống tôm càng xanh ở đây dự báo sẽ chiếm thị phần trên 60% cả khu vực.

Bài, ảnh: PHONG TRẦN

Chia sẻ bài viết