10/03/2022 - 18:46

Giao tranh Nga - Ukraine tiếp diễn 

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Ngày 9-3, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres khẩn thiết kêu gọi các biện pháp chấm dứt tình trạng “bạo lực vô nghĩa” sau cáo buộc của Ukraine về vụ pháo kích của Nga nhằm vào bệnh viện nhi ở thành phố cảng Mariupol.

Khuôn viên bệnh viện ở Mariupol sau vụ pháo kích. Ảnh: AP

Hãng tin Reuters cho biết, vụ tấn công diễn ra sau khi Nga đồng ý tạm dừng chiến sự trong 12 tiếng đồng hồ để tạo điều kiện cho người tị nạn di tản khỏi một số thị trấn và thành phố bị lực lượng này bao vây. Theo các nhà chức trách vùng Ukraine, vụ việc khiến ít nhất 17 người bị thương bao gồm các thai phụ và nhân viên. Tuy nhiên, phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy xác định khu vực từng là bệnh viện bị đánh bom hiện là trụ sở do “những phần tử cực đoan Ukraine kiểm soát”.

Trước thông tin này, LHQ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các báo cáo “gây sốc” theo luật nhân đạo quốc tế. Trên Twitter, Tổng Thư ký Guterres nói rằng thường dân là bên “phải trả giá đắt nhất” cho cuộc chiến không liên quan gì đến họ. Qua đây, ông Guterres kêu gọi các bên chấm dứt đổ máu và bạo lực vô nghĩa.

Mỹ không cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine

Phát biểu ngày 9-3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị phương Tây thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhằm đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga. Lãnh đạo chính quyền Kiev cũng nhắc lại đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, yêu cầu này lần nữa bị Mỹ và Anh bác bỏ.

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Anh Elizabeth Truss, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định cam kết tăng cường viện trợ nhân đạo và an ninh cho Ukraine; đồng thời nói rõ mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden là chấm dứt xung đột. Nếu lập vùng cấm bay, động thái này có thể dẫn đến giao tranh trực tiếp với Nga và đẩy NATO lún sâu vào cuộc chiến toàn diện giữa các cường quốc có vũ khí hạt nhân.

Trước đó, Lầu Năm Góc cũng từ chối đề nghị của Ba Lan về việc gửi máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga sản xuất tới Ukraine thông qua căn cứ không quân của Mỹ ở Ðức, gọi đây là hành động rủi ro cao và không mang lại thay đổi đáng kể.  Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby giải thích rằng việc chuyển máy bay MiG-29 cho Ukraine chỉ tạo thay đổi nhỏ trong tương quan lực lượng với Nga, đồng thời nhấn mạnh Mỹ hỗ trợ Ukraine bằng việc cung cấp các loại vũ khí. Ông Kirby nói: “Cộng đồng tình báo đã đánh giá rằng việc chuyển giao máy bay MiG-29 cho Ukraine có thể là một sai lầm vì có thể sẽ làm leo thang căng thẳng và dẫn tới những phản ứng mạnh từ phía Nga và đặt ra nguy cơ leo thang quân sự giữa Nga với NATO. Vì vậy, chúng tôi cũng nhận định rằng việc cung cấp MiG-29 cho Ukraine là động thái có nguy cơ cao”.

Nga - Mỹ tố lẫn nhau về vũ khí sinh học

Ngày 9-3, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine sử dụng hơn 80 tấn khí hóa học amoniac ở thành phố Zolochiv và hướng dẫn người dân trong khu vực biết cách phải làm gì sau một vụ tấn công hóa học. Cùng ngày, Trung Quốc trích báo cáo giấu tên cho biết đã phát hiện một lượng lớn virus nguy hiểm được lưu trữ trong các phòng thí nghiệm sinh học và những cơ sở liên quan khác của Mỹ ở Ukraine. Bắc Kinh cũng kêu gọi Washington giải thích thỏa đáng về cáo buộc của Nga xung quanh việc Mỹ sử dụng các cơ sở nói trên phục vụ cho kế hoạch quân sự.

Trong tuyên bố đáp trả, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định những cáo buộc Mỹ tham gia thí nghiệm và phát triển vũ khí hóa học ở Ukraine là “sai sự thật”. Theo bà Psaki, Washington tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Công ước Vũ khí Hóa học và Công ước Vũ khí Sinh học và không phát triển hoặc sở hữu những loại vũ khí như vậy ở bất cứ đâu. Mặt khác, đại diện truyền thông Nhà Trắng cảnh báo đây có thể là cái cớ để Mát-xcơ-va triển khai vũ khí hóa - sinh trong chiến dịch quân sự “được tính toán trước, không có mục đích và phi lý” ở Ukraine.

Màn đấu tố về “vũ khí bẩn” diễn ra trong bối cảnh các ngoại trưởng Nga và Ukraine chuẩn bị gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Mát-xcơ-va mở chiến dịch quân sự nhắm vào Kiev. Trước đó, phái đoàn hai bên đã tổ chức 3 vòng đàm phán nhưng chỉ đạt tiến triển nhỏ về thỏa thuận nhân đạo. Ðối với hội đàm sắp tới, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết không đặt quá nhiều kỳ vọng nhưng vẫn nỗ lực tìm cách “chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch của Nga chống Ukraine”. Về phần mình, Nga kiên quyết với yêu cầu Ukraine từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO và trở thành một nước trung lập; chấp nhận quyền tài phán của Mát-xcơ-va đối với bán đảo Crimea được Nga sáp nhập vào năm 2014 và công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng ở miền Ðông Ukraine.l

Chia sẻ bài viết