Thế giới dường như đang thất bại trên mặt trận chống sản xuất, buôn bán và sử dụng ma túy bất hợp pháp, theo báo cáo thường niên của LHQ vừa công bố tại Vienne (Áo) nhân Ngày Thế giới chống lạm dụng và buôn bán ma túy 26-6. Báo cáo cho biết nguồn cung và các tuyến buôn lậu ma túy mới đang gia tăng nhanh, có thể thúc đẩy hình thành nhiều thị trường mới.
Theo ước tính của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm LHQ (UNODC), thế giới hiện có 208 triệu người sử dụng các sản phẩm ma túy, trong đó khoảng 26 triệu người nghiện nặng. Mỗi năm khoảng 200.000 người chết vì ma túy. Giá trị buôn bán ma túy bất hợp pháp lên tới 322 tỉ USD mỗi năm. Giám đốc điều hành UNODC Maria Costa cho rằng việc kiểm soát ma túy tuy đạt nhiều thành tựu ấn tượng trong vài năm qua, nhưng diện tích trồng cây anh túc và cây coca, cũng như nguy cơ sử dụng thuốc phiện cao hơn ở một số nước đã làm giảm ý nghĩa của những thành công đó.
Canh tác và sản xuất thuốc phiện đang vượt khỏi khả năng kiểm soát của chính quyền ở một số nước, nhất là ở những nơi lực lượng nổi dậy kiểm soát khu vực rộng lớn như Afghanistan và Colombia. Năm 2007, diện tích trồng cây anh túc trên thế giới lên tới 235.700 ha, tăng 17% so với 2006. Năm ngoái, sản lượng thuốc phiện ở Afghanistan đạt kỷ lục 8.870 tấn, chiếm 92% nguồn cung heroin toàn cầu; Myanmar - nước sản xuất thuốc phiện lớn thứ hai thế giới - cũng tăng sản lượng lên 460 tấn từ 315 tấn năm 2006, trong khi sản xuất lá coca ở Colombia tăng từ 984 tấn năm 2006 lên 994 tấn.
|
Lực lượng đặc nhiệm Afghanistan tuần tra trên cánh đồng anh túc. Ảnh: Reuters |
Báo cáo của LHQ cho biết các tuyến đường buôn lậu ma túy chính ở các khu vực Trung Mỹ, Caribbe, Mexico thường xuyên thay đổi và đặc biệt là sự xuất hiện các tuyến mới ở Tây Phi. Trong khi đó, tình trạng sử dụng cocaine ở Tây Âu đang tăng nhanh. Australia cũng được xem là một trong những trung tâm buôn bán ma túy “nổi lên” nhanh nhất thế giới. Ma túy tới Australia thông qua 3 tuyến chính từ châu Á là Indonesia, Lào và Philippines.
Thật ra, một số nước bước đầu đã thành công trong công tác phòng chống ma túy và hỗ trợ quốc gia khác, như Trung Quốc chẳng hạn. Sau 3 năm tiến hành chương trình phòng chống ma túy, diện tích cây anh túc và hoạt động chế biến heroin ở Trung Quốc giảm mạnh. Ngoài ra, để cắt nguồn cung thuốc phiện từ khu vực Tam giác vàng, Trung Quốc cũng xúc tiến chiến lược trồng cây thay thế với hàng trăm triệu USD hỗ trợ Myanmar và Lào trồng các loại ngũ cốc, cao su, trà và mía trên các cánh đồng thuốc phiện. Kế hoạch này có thể giảm khoảng 110 tấn thuốc phiện/năm.
Tuy nhiên, việc trấn áp các hoạt động phi pháp liên quan đến ma túy xem ra còn lắm khó khăn. Nhiều năm qua, Mỹ dành hàng tỉ USD hỗ trợ Afghanistan và Colombia thực hiện chương trình xóa cây anh túc và cây coca, nhưng hiệu quả không đáng kể, do lực lượng nổi dậy ở hai nước này kiểm soát các hoạt động buôn bán ma túy.
N.MINH (Theo THX, AP, IST, BBC)